Định hướng nghề cho học sinh

.

Thời gian qua, ngành giáo dục và chính quyền huyện Hòa Vang đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ hơn 700 học sinh tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 đi học nghề, học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giới thiệu việc làm…

Việc định hướng cho số học sinh không vào THPT công lập đi học nghề hoặc học bổ túc là rất cần thiết. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Ngọc Phú
Việc định hướng cho số học sinh không vào THPT công lập đi học nghề hoặc học bổ túc là rất cần thiết. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Ngọc Phú

Ông T.Đ.L, ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), có con trai vừa tốt nghiệp THCS nhưng không đủ điểm để xét vào Trường THPT Phạm Phú Thứ. Do thành tích học tập không tốt, cộng với kỳ thi tốt nghiệp không đạt kết quả cao, nên con ông L. vẫn ở nhà. “Ngày trước còn có ruộng đồng, thất học về đi làm ruộng vẫn được. Bây giờ Hòa Liên gần như giải tỏa trắng, nhà cửa mọc lên như nấm. Giờ ở Hòa Liên, tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy nhiều, nguy cơ cao các cháu bị lôi kéo đi vào con đường nghiện. Tôi rất lo”, ông L. nói. Trước thực tế này, địa phương cũng đã cùng với gia đình định hướng học nghề cho con ông L. và bây giờ con ông đã được học nghề.

Hoàng Thanh Hải (ở xã Hòa Sơn) lại là một trường hợp khác. Sau khi trượt xét tuyển vào lớp 10 công lập, Hải nhận thức năng lực học tập của mình không cao nên khi được địa phương và Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 5 tổ chức tư vấn, em đã nộp hồ sơ xin vào học nghề cơ khí tại trường. Hải cho biết, trong quá trình học nghề, em tiếp tục được nhà trường dạy hoàn thiện hệ bổ túc văn hóa THPT. Hiện em chọn nghề cơ khí và nghĩ rằng sau khi ra trường cơ hội tìm việc cao hơn.

Quá trình học nghề, em tiếp tục học lên để hoàn thiện hệ giáo dục bổ túc và tiếp tục học lên cao đẳng”, Hải cho biết.
Tại các xã khác của huyện Hòa Vang, việc định hướng học nghề được nhiều gia đình quan tâm và chính quyền địa phương ủng hộ. Anh Võ Văn Phụ (trú xã Hòa Châu) cho biết, do không đậu vào lớp 10 nên anh cho con trai theo học nghề sửa chữa ô-tô tại quận Liên Chiểu. “Nhờ nhanh trí và ham học nên đến nay, con trai tôi có thể sữa chữa các loại ô-tô và có việc làm với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Tôi mừng lắm vì chưa chắc sau khi học đại học xong có việc”, ông Phụ nói.

Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết toàn xã có 79 học sinh tốt nghiệp lớp 9 không vào THPT công lập. Dịp hè, các trường nghề có gửi thư mời các em tham gia học nghề, học bổ túc để hoàn thiện hệ văn hóa phổ thông. Đến nay, xã đã mời các em lên để nắm tình hình. Theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang, trong tổng số trên 700 học sinh không vào lớp 10 công lập ở Hòa Vang, đến nay cơ bản đã có hướng học tập hệ khác hoặc học nghề tại các trường nghề. Hiện còn khoảng 200 em vẫn ở  nhà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, thời gian qua, huyện đã nỗ lực rất lớn để triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ đối với 30% học sinh tốt nghiệp lớp 9 không vào THPT công lập trên địa bàn. Trong những năm qua, huyện đã phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề để định hướng cho các em ngay thời gian vào đầu năm học lớp 9. Đến nay, trong số 700 em không vào THPT công lập, địa phương cơ bản đã giải quyết được cho 2/3 em đi học nghề hoặc học bổ túc…

Cái khó là ý thức của các em chưa cao, phụ huynh ít quan tâm dù các trường nghề về tận trường tư vấn. Bên cạnh đó, khi các trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai sáp nhập, trên địa bàn huyện gần như không còn cơ sở nào (chỉ còn một chi nhánh tạm thời nhưng lại đóng tại địa bàn quận Cẩm Lệ). Năm 2018, huyện Hòa Vang xin thành phố đặt chi nhánh tại xã Hòa Phong để mở mấy lớp 10 cho các em theo học, cũng như mở thêm điểm tại Trường THPT Phạm Phú Thứ.

Ông Bùi Nam Dũng cho biết thêm, hằng năm huyện mời các trường cao đẳng, trường nghề có nhu cầu tuyển dụng học sinh tốt nghiệp THCS về gặp mặt; mời các chủ tịch xã, các ngành để gặp gỡ, tìm hướng tư vấn, định hướng cho số học sinh không vào cấp 3 công lập. Sau đó, các trường sẽ đến từng xã một để vận động các em. “Nếu không định hướng cho các em, nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội là rất cao. Huyện vẫn nhất quán quan điểm, không học chữ được phải học nghề vì tương lai của từng em”, ông Dũng nói.

TRỌNG HUY
 

;
;
.
.
.
.
.