Mỗi cô giáo là một tấm gương

.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, song, những giáo viên tiểu học có điểm chung là yêu nghề, tận tâm với học trò, không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hiệp trong giờ lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hiệp trong giờ lên lớp.

Hiểu cái khó của trò

Là tổ trưởng chuyên môn tổ 3, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hiệp (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận Sơn Trà) cho rằng, đây là khối lớp học khá quan trọng của học sinh tiểu học, khi chuyển từ mức độ bài học cơ bản (lớp 1, 2) đến lớp 3 sẽ bắt đầu những bài học phức tạp hơn. Để các học sinh không bỡ ngỡ hoặc chán nản vì khó, cô Hiệp luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin, trực quan làm sao giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu, đặc biệt với hai môn Toán và Tiếng Việt.
Theo cô Hiệp, một trong những môn khó đối với học sinh lớp 3 là Tập làm văn.

Ngoài đọc, hiểu, các em phải viết đoạn văn ngắn. Ở lớp 2, học sinh làm tập làm văn đơn giản nhưng khi lên lớp 3 phải viết đoạn văn từ 7-10 câu. Để giúp các em học sinh thực hiện được, bản thân cô Hiệp luôn tìm phương pháp mới. “Sau khi các em trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa, từ câu hỏi, giáo viên giúp học sinh chuyển ý, thêm từ, biết viết những câu hay, giàu hình ảnh, biết sử dụng phương pháp so sánh, nhân hóa. Từ đó, các em sẽ hình thành được đoạn văn theo yêu cầu”, cô Hiệp chia sẻ.

Đổi mới phương pháp theo cách của cô giáo Mỹ Hiệp không chỉ phù hợp với từng môn học mà còn phải thích ứng với các đối tượng học sinh khác nhau. Trong một lớp học, trình độ, khả năng của các học sinh không bao giờ giống nhau. Cần có cách dạy, kiểm tra phân hóa để phát triển năng lực học sinh khá, giỏi. Đối với học sinh yếu, cô Hiệp luôn bằng sự kiên nhẫn, yêu thương, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với phụ huynh giúp các em tiến bộ từng ngày. “Bên cạnh cung cấp kiến thức, bản thân tôi nhận thấy việc động viên học sinh rất quan trọng, để các em thấy hứng thú, tự tin hơn trong học tập. Đối với tôi đó là một kinh nghiệm”, cô Hiệp chia sẻ.

Dạy học chỉ hiệu quả khi không ngừng sáng tạo

Trong khi đó, suốt 22 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, cô Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng chuyên môn tổ 5, Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu), luôn tâm niệm rằng, để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy ngày nay, người giáo viên không chỉ dạy đúng mà phải dạy một cách sáng tạo, không ngừng đổi mới. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học đã tạo ra được hiệu quả lớn, giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu bài vở. Chỉ trong năm học 2018-2019, cô Lan đã giảng dạy trên 180 tiết giáo án có ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều học sinh thổ lộ rất hứng thú trong những tiết học do cô Lan đứng lớp.

Cô giáo Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, không chỉ có nhiều sáng kiến phục vụ tốt việc giảng dạy trong chương trình, cô Nguyễn Thị Lan còn là một trong những giáo viên tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh năng khiếu 2 môn Toán và Tiếng Việt giao lưu ngày hội tuổi thơ cấp thành phố đạt được nhiều giải cao. Những nỗ lực của cô Lan đã góp phần cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện năm sau luôn cao hơn năm trước.

Về Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu), chúng tôi được lãnh đạo nhà trường nồng nhiệt giới thiệu rằng phải gặp cho được cô giáo Đoàn Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn tổ 4. Với cô Thảo, giáo dục học sinh không chỉ dạy chữ, mà cần phải theo sát các em trong cả quá trình rèn luyện. Đặc biệt, phải nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh và phải thật sự tâm huyết với nghề. Nhận xét về cô Đoàn Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Dũng cho biết trong những năm qua, cô Thảo là một trong những giáo viên tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cô Thảo nhiều năm liền tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng Elearning do các cấp tổ chức và đã đạt được kết quả khá cao. Những nỗ lực của cô đã góp phần giúp nhà trường từng bước khẳng định được chất lượng giảng dạy, tạo niềm tin với học sinh và phụ huynh...

Tận tụy với nghề cũng là điều mà các đồng nghiệp nhắc đầu tiên khi nói về cô giáo Võ Thị Tuyết Trang, Tổ trưởng chuyên môn khối lớp 2, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận Thanh Khê). “Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong quá trình giảng dạy, phải quan tâm, động viên, khuyến khích và khen ngợi các em để tạo động lực cho các em học tập tốt hơn, đặc biệt là với học sinh khó khăn về học và học sinh khuyết tật”, cô Trang tâm sự.

Nói về quá trình học tập, rèn luyện chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cô Trang chia sẻ ngắn gọn rằng bản thân luôn nỗ lực hết sức để xứng đáng “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.  

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.