Nghĩ về nghề giáo

.

Tháng 11, nắng mong manh, nhạt nhòa nhường chỗ cho những cơn mưa đầu mùa. Tháng 11, gió miên man, bất chợt ùa về khơi gợi bao thương nhớ. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô...

Những lúc thế này lại nhớ đến lời nhắc nhở của Edmondo de Amicis trong “Những tấm lòng cao cả”: “Con hãy nói đến tiếng “thầy” với tấm lòng luôn luôn tôn kính, bởi vì sau tiếng “bố” thì đó là danh vị cao quý nhất, dịu dàng nhất mà một con người có thể dành tặng cho một con người khác”.

Nhưng xã hội ngày nay liệu có cho rằng, sau tiếng “bố” thì tiếng “thầy” là “danh vị cao quý nhất” và nói đến tiếng “thầy” với “tấm lòng luôn luôn tôn kính”?! Những hình ảnh, những đoạn video về thầy cô đánh học trò, bắt học trò quỳ, uống nước giẻ lau bảng...; những câu chuyện về việc dạy thêm, học thêm, cho học sinh biết trước đề kiểm tra, cho em này điểm cao, ép em kia điểm thấp... càng ngày càng làm xã hội mất lòng tin đối với người thầy. Xã hội nghi ngờ trình độ, tư cách, nhân phẩm của người giáo viên trước sự biến thiên của thời cuộc.

Khi mạng xã hội ngày càng lan tỏa thông tin trong cuộc sống, khi người nghe, người đọc có tâm lý “ưa chuộng” những câu chuyện phanh phui mặt trái, mặt xấu, chúng ta vô tình lãng quên biết bao câu chuyện hay, con người đẹp, hành động tốt vẫn âm thầm diễn ra trong cuộc sống.

Đó là câu chuyện về vợ chồng thầy giáo ở Vĩnh Long đi bán nhang, bán bánh chắt chiu từng đồng tiền lời mua sách tặng trò nghèo; vợ chồng thầy giáo ở Nghệ An mở quán ăn sáng miễn phí, phục vụ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao; các cô giáo mầm non ở Cắm Bản (Lào Cai) cõng con chữ đến miền xa; thầy giáo Trần Văn Hạnh suốt 7 năm công tác đã cùng với phụ huynh đưa học trò qua suối Nà Ui để đến được Trường phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học xã Nậm Sỏ (Lai Châu)...

Người giáo viên không chỉ đối diện với áp lực dư luận xã hội, áp lực cơm áo gạo tiền, mà còn có cả áp lực giảm biên chế, thi đua, danh hiệu... Năm 2019, cả nước có gần 23 triệu học sinh nhưng chỉ có hơn 1 triệu giáo viên. Bài toán thiếu giáo viên vẫn chưa cho đáp án, cũng đồng nghĩa gánh nặng đang đè lên vai những người thầy, người cô của hiện tại. Vậy phải đánh giá như thế nào để công bằng cho nhà giáo với những gì họ đã làm và nhận được?

Không phải ngẫu ngiên mà từ lâu nghề giáo đã được đánh giá là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Người thầy nhận lấy trọng trách không chỉ dạy chữ mà cao cả hơn là dạy làm người.

Vì vậy, trước tiên, người thầy phải là một hình mẫu để học sinh nhìn vào và noi theo. Có ai thành công, giỏi giang mà không cần đến trường, không bập bẹ những tiếng đầu tiên non nớt với thầy cô? Có xã hội nào phát triển, đất nước nào phồn thịnh mà không xem giáo dục là quốc sách hàng đầu? Trọng trách gánh vác là thế, nhưng sự thật cuộc sống vật chất và tinh thần của người thầy có được bảo đảm? Cái nghề thanh bần, đôi khi phải đắng chát mà buông lời như thế để tự dịu vơi nỗi nhọc nhằn. Họ đã thực sự được thấu hiểu và cảm thông?

Rõ ràng, dù định kiến dư luận có khe khắt, cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, người thầy vẫn miệt mài với trang giáo án, cặm cụi đi và về, trăn trở, thấp thỏm bao âu lo. Khi người thầy tận tâm, tận tụy hết lòng vì học trò thì thời gian dẫu có khốc liệt bao nhiêu vẫn không thể xóa nhòa tình thầy trò ấm đầy, bền chặt.

                                 Tháng 11-2019
THIÊN DI

;
;
.
.
.
.
.