100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam

.

ĐNO - Ngày 28-12, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng và Công ty Tao Đàn Thư Quán phối hợp tổ chức hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”.

GS.TS Roland Jacques đến từ Đại học Saint Paul (Canada) phát biểu tại hội thảo.
GS.TS Roland Jacques đến từ Đại học Saint Paul (Canada) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc tổ chức hội thảo quốc  tế “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”, đúng hơn là 100 năm chữ Quốc ngữ chính thức được sử dụng trên toàn cõi Việt Nam, tính từ khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức vào năm Kỷ Mùi 1919, đánh dấu sự cáo chung của nền khoa cử Hán học ở Việt Nam.

Ý tưởng tổ chức sinh hoạt học thuật này xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”,  “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Bởi trong suốt quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, nhất là trong thập kỷ qua, người Việt Nam luôn tri ân những bậc tiền nhân đã tiếp biến chữ Hán của Trung Hoa nhằm tạo nên một vốn từ Hán – Việt vẫn đang phát huy tác dụng đến ngày hôm nay, cũng như tri ân các các bậc tiền nhân đã ghi âm tiếng Việt bằng chính ký hiệu của Hán tự, tạo nên chữ Nôm; tri ân các bậc tiền nhân đã góp phần hình thành hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ - là cách ghi âm tiếng Việt bằng ký hiệu Latin để phát triển đất nước nói chung, phát triển văn hóa dân tộc nói riêng, hội nhập quốc tế sâu rộng và chống mù chữ…

Trong hai ngày diễn ra hội thảo (28 và 29-12), Ban tổ chức thành lập 3 tiểu ban gồm: Tiểu ban 1 (Chữ Quốc ngữ: khai sinh và phát triển, 10 tham luận); Tiểu ban 2 (Người Việt với quá trình hoàn thiện và sử dụng chữ Quốc ngữ, 11 tham luận), Tiểu ban 3 (Chữ Quốc ngữ: những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh, 12 tham luận).

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu đề cập đến việc cần làm sáng tỏ những ngộ nhận cũng như bác bỏ thành kiến về chữ Quốc ngữ, phân tích nguyên nhân thất bại của các đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ XX đến nay…

Tại hội thảo, nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh (Quảng Nam) đã giới thiệu cuốn kim thư được chế tác bằng đồng mạ vàng nhằm tôn vinh chữ Quốc ngữ và tri ân những người khai sinh chữ Quốc ngữ.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng phác họa tượng hai người có công với chữ Quốc ngữ là giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes…

cuốn kim thư được chế tác bằng đồng (mạ vàng) nhằm tôn vinh chữ quốc ngữ và tri ân những người khai sinh ra chữ quốc ngữ
Cuốn kim thư được chế tác bằng đồng (mạ vàng) nhằm tôn vinh chữ Quốc ngữ và tri ân những người khai sinh chữ Quốc ngữ.

Ban tổ chức cho biết, đây là hội thảo thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; trong đó, phải kể đến một số tổ chức như:  Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ (Đà Nẵng), Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha – Việt Nam (ở Porto, Bồ Đào Nha)...

Gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học ở Việt Nam và các nước Australia, Bồ Đào Nha, Canada, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ... gửi tham luận tham gia hội thảo.

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.