Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Nên thi để tạo sự công bằng?

.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt phương án tổ chức hay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Tuy nhiên theo ghi nhận, hầu hết phụ huynh, học sinh, giáo viên đều mong kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn diễn ra và ngành GD-ĐT thành phố đang dốc toàn lực để học sinh khối 12 vững vàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2020 nếu được tổ chức.

Trong thời gian qua các thầy cô giáo khối 12 nỗ lực soạn bài giảng để dạy trên truyền hình cho học sinh. Ảnh: N.P
Trong thời gian qua các thầy cô giáo khối 12 nỗ lực soạn bài giảng để dạy trên truyền hình cho học sinh. Ảnh: N.P

Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám bộc bạch: “Thời gian qua, dù không được đến trường, song nhờ có các kênh dạy học trên truyền hình, kết hợp với việc học online qua website của nhà trường, em vẫn có thể nắm bắt được kiến thức trọng tâm.

Em nghĩ thời gian này rất thích hợp cho việc tự học của học sinh cuối cấp như chúng em. Do đó, dù có chút lo lắng cho kỳ thi nhưng em nghĩ mình sẽ chinh phục tốt kỳ thi sắp tới nếu cố gắng hết sức”.

Trong khi đó, em Phùng Thị Mỹ Duyên (lớp 12 Trường THPT Phan Thành Tài) cho biết, tất cả các bạn học sinh trong lớp đều mong muốn kỳ thi tiếp tục diễn ra, bởi lẽ nó sẽ tạo được sự công bằng, đánh giá được năng lực của từng học sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên ra đề thi trong khoảng tuần thứ 2 của học kỳ 2 trở về trước, bởi ở khung kiến thức này, tất cả học sinh đã học.

Thầy Nguyễn Đình Hòa (giáo viên Trường THPT Trần Phú) cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn nên tổ chức kỳ thi. Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, thứ nhất, thi để bảo đảm tính công bằng, khách quan trên quy mô toàn quốc. Đây là cơ sở để đánh giá việc dạy và học của từng địa phương, từng cơ sở dạy học. Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình tinh giản phù hợp với tình hình thực tế.

Các trường hoàn thành chương trình này là hoàn tất năm học. Thứ ba, 63/63 tỉnh thành đã tổ chức dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình. Các bạn có điều kiện thì tham gia học trực tiếp, bạn nào không có điều kiện thì học ở phần xem lại trên các trang web, sau này, giáo viên kiểm tra phần kiến thức này để bảo đảm 100% các em được học. Có kết quả chung này, ngành giáo dục mới có cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Đồng tình với ý kiến này, chị Hồ Thu Thanh, phụ huynh em Nguyễn Hữu Vi Thư (Trường THPT Hòa Vang) cho biết: “Là phụ huynh, tôi mong kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn được tổ chức, bởi vì sẽ không biết phương án tuyển sinh của các trường đại học sẽ như thế nào”. Theo chị Hồ Thu Thanh, trong những ngày nghỉ học, con gái ở nhà rất chăm chỉ học tập, các thầy cô cũng thường xuyên ra bài tập, đồng thời nhắc nhở việc học của học sinh nên chị khá yên tâm.

Dốc toàn lực hỗ trợ học sinh

Thầy Võ Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm cho biết, từ khi nghỉ học, nhà trường đã giao bài tập về cho học sinh toàn trường cũng như lớp 12 để các em ôn tập. Thời gian gần đây, các em khối 12 được dạy học trên truyền hình, về cơ bản đã đáp ứng được kiến thức của học sinh.

Các giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh thời gian để giải đáp những câu hỏi mà học sinh còn thắc mắc trong quá trình học tập qua tin nhắn Zalo, Messenger. “Sau khi đi học trở lại, nhà trường sàng lọc các học sinh ở những khu vực khó tiếp cận việc học truyền hình, học trực tuyến để phân công giáo viên phụ đạo nhằm bổ túc kiến thức cho các em”, thầy Võ Trinh cho hay.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, ngoài việc học sinh học trên truyền hình, nhà trường gửi bài tập riêng để các em củng cố kiến thức. Ngoài ra, nhà trường biên soạn lại bộ tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp dựa theo tinh thần giảm tải, đề minh họa mới của Bộ GD-ĐT, biên soạn đến đâu thì gửi cho học sinh đến đó. Trong thời gian học ở nhà, cô Minh Huệ cho rằng, nếu các bậc phụ huynh quan tâm, chăm chút thì việc học của học sinh nói chung, lớp 12 nói riêng sẽ bảo đảm

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, trong  khi học sinh vẫn chưa thể đến trường, thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngoài việc phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng phát sóng chương trình dạy học dành cho học sinh lớp 12, ngành giáo dục đã hướng dẫn các đơn vị đến các trường học tổ chức dạy học qua internet. Trong thời gian qua, ngành đã có các hướng dẫn cụ thể nhằm giúp học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu các nội dung đã được tiếp nhận.

Đặc biệt khi Bộ GD-ĐT đã ban hành nội dung giảm tải, Sở GD-ĐT thành phố đã triển khai cụ thể đến các trường học, vì vậy việc học tập, củng cố kiến thức cho học sinh khối 12 thuận lợi, hiệu quả hơn. Sau khi đi học lại, các trường rà soát lại việc học tập của học sinh trong thời gian qua và sẽ có kế hoạch ôn tập cụ thể, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến làm sao bảo đảm học sinh vẫn sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia (nếu được tổ chức).

“Trường hợp Bộ GD-ĐT bỏ kỳ thi THPT quốc gia, việc xét tốt nghiệp tại Đà Nẵng sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của bộ. Riêng việc tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2020-2021 của địa phương, sở đã ban hành kế hoạch tuyển sinh, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 18-19 tháng 7-2020.

Ngoài ra sở cũng đã có công văn gửi Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện lập kế hoạch tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2020-2021 theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, quy định của Bộ GD-ĐT và trình UBND quận, huyện phê duyệt”, bà Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.