Tuyển sinh Đại học năm 2020: Hạn chế tối đa sự xáo trộn, bảo đảm chất lượng đầu vào

.

Hạn chế tối đa sự xáo trộn, bảo đảm sự công bằng và chất lượng đầu vào... hiện là những mối quan tâm hàng đầu trong việc lựa chọn phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang tính toán lại phương án xét tuyển.  Trong ảnh: Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ
Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang tính toán lại phương án xét tuyển. Trong ảnh: Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức kỳ thi THPT vào giữa tháng 8-2020; dù vẫn tổ chức thi nhưng kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Đồng thời, năm nay các trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng Luật Giáo dục đại học trên tinh thần các trường đã có sự chuẩn bị lâu nay.

Theo đề xuất này, các trường đại học phải điều chỉnh phù hợp cho công tác tuyển sinh năm nay. PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cho biết, theo Đề án tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Kinh tế tuyển sinh dựa trên các phương thức: xét tuyển thẳng đối với các học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc cấp tỉnh/thành phố; xét tuyển thẳng theo phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia (hoặc học bạ); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Với thực tiễn hiện tại, nhà trường không xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT, các phương thức xét tuyển khác không thay đổi, trong đó ưu tiên phương thức xét tuyển thẳng đối với các học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc cấp tỉnh/thành phố, học sinh giỏi 3 năm liền; thay vì sử dụng kết quả của bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT, nhà trường sẽ dựa vào kết quả các môn thuộc tổ hợp đó ở học bạ. “Đối với mỗi phương thức xét tuyển, nhà trường có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng chỉ tiêu phù hợp, hạn chế tối đa việc xáo trộn, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các thí sinh”, PGS.TS Lê Văn Huy nói.

Theo TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Duy Tân, phương án tuyển sinh của nhà trường vẫn như mọi năm, đó là xét tuyển dựa trên học bạ và kết quả thi THPT quốc gia.  Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia năm nay được Bộ GD-ĐT đề xuất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó nhà trường vẫn chờ quy chế hướng dẫn đầy đủ của Bộ GD-ĐT một khi Chính phủ thông qua đề xuất này. “Trên cơ sở hướng dẫn của bộ, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Tất nhiên, tổ chức một kỳ thi riêng thì chưa đủ điều kiện nên trường vẫn tuyển sinh dựa trên học bạ và kết quả thi THPT nhằm mang đến sự ổn định cho thí sinh”, TS Võ Thanh Hải cho biết.

Cũng theo TS Võ Thanh Hải, các trường hiện nay đều đa dạng phương thức tuyển sinh. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một trong những phương thức, sự thay đổi cũng chỉ ở duy nhất phương thức này. Giả sử Bộ GD-ĐT vẫn đồng ý cho xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT thì các trường không có sự xáo trộn nào lớn. Còn trường hợp Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ tuyển sinh thì nhiều trường sẽ tính đến phương thức kết hợp xét tuyển dựa trên kết quả học bạ và kết quả kỳ thi THPT.

Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang tính toán lại phương án xét tuyển.  Trong ảnh: Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng năm 2019. 				                                             Ảnh: NGỌC HÀ
Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang tính toán lại phương án xét tuyển. Trong ảnh: Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo một số ý kiến khác, việc tổ chức thi riêng một kỳ thi có thể sẽ diễn ra ở các trường đại học lớn, đã từng tổ chức thi riêng. Một số trường (hay cụm trường) cũng tính toán tổ chức kỳ thi riêng, song song có các hình thức xét tuyển học bạ, tuyển thẳng...

Tuy nhiên, nếu để cho các trường (hay cụm trường) tự tổ chức thi riêng, tự lo đề thi, tự quyết thời gian thi thì dẫn đến nhiều hệ lụy như: không kiểm soát được chất lượng chung đầu vào đại học, xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh (đề dễ, đề khó, thi trước thi sau...), lượng ảo lớn (một thí sinh đăng ký thi nhiều trường nhưng nếu trùng ngày thi thì chỉ tham gia được một trường)…

“Các trường có thể tổ chức thi riêng nhưng Trung tâm Khảo thí quốc gia (thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cung cấp đề thi chung cho các trường (hoặc cụm trường) có tổ chức thi riêng. Các trường đại học sẽ hợp đồng với Trung tâm Khảo thí quốc gia để nhận đề, đáp án, Bộ sẽ kiểm tra giám sát thời gian thi. Các thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để ứng tuyển vào các trường khác nhau”,  PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN nêu ý kiến.

Cũng theo các nhà quản lý giáo dục, điểm đầu vào chỉ là một trong những điều kiện để các trường chọn thí sinh có sức học bảo đảm theo hết chương trình đào tạo; trong khi chất lượng đầu ra còn dựa trên nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, năng lực người thầy...

“Tôi cho rằng học sinh không nên quá lo lắng. Cứ tập trung học để hoàn thành kỳ thi THPT một cách tốt nhất. Bởi các trường đại học chỉ điều chỉnh phương án xét tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Hiện nay, đề xuất của Bộ GD-ĐT vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Nếu thông qua, Bộ GD-ĐT sẽ có quy chế hướng dẫn đầy đủ và tôi tin rằng không có nhiều xáo trộn cho thí sinh”, TS Võ Thanh Hải nói.

Chiều 22-4, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị thành viên, các đơn vị trực thuộc về phương án tuyển sinh năm 2020. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các phương thức tuyển sinh, bảo đảm cho việc thực hiện tuyển sinh năm 2020 ổn định và thành công.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.