Lá cờ đầu trong dạy và học

.

Số lượng học sinh giỏi hằng năm tăng cao, tỷ lệ học sinh giỏi đoạt giải cấp thành phố gần 95% trong tổng số học sinh dự thi, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn... Đó là những nét nổi bật của Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) - một trong những lá cờ đầu về dạy và học của địa phương. 

Đội ngũ giáo viên Trường THCS Chu Văn An luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ của mình. TRONG ẢNH: Cô giáo Châu Thị Như Ý hướng dẫn học sinh ghi tên, tuổi vào bài kiểm tra giữa học kỳ 2. 		 	     					               Ảnh: NGỌC PHÚ
Đội ngũ giáo viên Trường THCS Chu Văn An luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ của mình. TRONG ẢNH: Cô giáo Châu Thị Như Ý hướng dẫn học sinh ghi tên, tuổi vào bài kiểm tra giữa học kỳ 2. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hơn 45 năm hình thành và phát triển, đến nay Trường THCS Chu Văn An (đường Lê Đình Lý) có quy mô 28 lớp học, 1.057 học sinh; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 67 người, đều đạt chuẩn đào tạo, có 94% trên chuẩn. Các giáo viên thường xuyên được đào tạo và tự học, tự nâng cao trình độ. Trong những năm qua, Trường THCS Chu Văn An luôn đi đầu trong phong trào dạy - học, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, về chất lượng đại trà, hằng năm có gần 50% học sinh của trường đạt học sinh giỏi, học sinh có hạnh kiểm khá, tốt trên 99,8%, không có học sinh có hạnh kiểm yếu; tỷ lệ học sinh đỗ vào trường công lập, trường chuyên cao. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh tham gia các môn thi học sinh giỏi cấp thành phố đạt từ 85% - 95% trong tổng số học sinh dự thi. Đặc biệt, học sinh nhà trường rất đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Từ năm học 2018-2019 đến nay, học sinh của trường đạt 1 giải nhất cấp thành phố, 1 giải nhất, 1 giải nhì cấp quận về cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Trong nhiều cuộc thi tài năng khác, các học sinh cũng đạt giải cao.

Để đạt được hai mục tiêu trên, hằng năm Trường THCS Chu Văn An chỉ đạo các giáo viên bộ môn phát hiện những em học sinh lớp 6 có triển vọng đưa vào đội tuyển để bồi dưỡng cho các em tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố vào năm lớp 9; khuyến khích các em sáng tạo, nghiên cứu để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật. Cạnh đó, nhà trường chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp cận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình, sau đó giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Đặc biệt, nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thường xuyên và hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. “Để thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy-học, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu sách hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các bộ môn học, nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để vận dụng vào giảng dạy, chú trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, hiệu quả tiết dạy của giáo viên đã có sự chuyển biến rõ rệt, giáo viên đã vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tạo điều kiện cho học sinh được thể hiện mình nên đa số học sinh hứng thú trong giờ học”, cô Hoàng Chinh nhìn nhận.

Cô Châu Thị Như Ý, giáo viên có thâm niên dạy môn Hóa - Sinh của trường luôn tự học, tự tìm hiểu để nâng cao nghiệp vụ; đồng thời tìm tài liệu để đổi mới phương pháp phù hợp với việc dạy học, lấy hoạt động dạy học làm trung tâm. Trong quá trình dạy học, cô Như Ý cho biết luôn phải tìm tòi những phương pháp dạy mới mẻ, giúp học sinh hưng phấn học tập. Nhờ vậy, chất lượng dạy- học môn Hóa - Sinh những năm gần đây tăng cao, số học sinh tham gia học sinh giỏi cấp thành phố đều đoạt giải cao.

Song song với nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường chú trọng dạy kỹ năng cho các em học sinh. “Học sinh của trường không chỉ có cắm đầu vào học để rồi không có kỹ năng giao tiếp, không biết xử lý các tình huống ngoài xã hội. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tổng phụ trách đẩy mạnh giáo dục kỹ năng cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau”, cô Hoàng Chinh chia sẻ. Để thực hiện được điều này, những buổi chào cờ không còn chỉ là những phát biểu chỉ đạo của hiệu trưởng, thay vào đó là tiết sinh hoạt, các em học sinh có thể phát biểu cảm nghĩ của mình về các vấn đề xã hội. Đối với các tiết thể dục giữa giờ, không còn là những động tác thể dục đơn điệu mà là những bài dân vũ, những điệu nhảy hiện đại làm cho học sinh ngày càng hứng thú hơn.

Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê nhận xét: “Bằng nhiều phương pháp dạy học tích cực, những năm qua, chất lượng giáo dục hai mặt của Trường THCS Chu Văn An đạt được những thành tích nổi bật, được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen, trở thành điểm sáng giáo dục của khối THCS ở quận Thanh Khê. Phát huy kết quả đạt được, tôi đề nghị nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu để giữ vững thành tích, để ngôi trường trở thành điểm đến tin cậy của phụ huynh trong và ngoài địa bàn”.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.