Lựa chọn sách giáo khoa: Bảo đảm hiệu quả để sử dụng trong nhiều năm học

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo  (GD-ĐT) thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, đến thời điểm này, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) đến tất cả phụ huynh. Việc nghiên cứu, lựa chọn SGK cho năm học 2020-2021 được ngành giáo dục thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhằm đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh.

Phụ huynh cùng con đi mua sách tại nhà sách Fahasa (đường Lê Duẩn). Ảnh: MAI HIỀN
Phụ huynh cùng con đi mua sách tại nhà sách Fahasa (đường Lê Duẩn). Ảnh: MAI HIỀN

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, đến thời điểm này, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) đến tất cả phụ huynh. Việc nghiên cứu, lựa chọn SGK cho năm học 2020-2021 được ngành giáo dục thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhằm đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh.

 Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết:

- Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, khung chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ nhằm thực hiện khung chương trình. Vì vậy, sẽ có nhiều bộ SGK khác nhau phục vụ cho chương trình đã được phê duyệt. Ngoài bộ SGK đã được lựa chọn để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, giáo viên có thể tham khảo các bộ sách khác để phục vụ quá trình giảng dạy. 

* Việc lựa chọn SGK tại thành phố Đà Nẵng có bảo đảm theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT?

- Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã tiến hành việc lựa chọn SGK lớp 1 theo các bước đúng quy định: Phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu 5 bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021; tham mưu UBND phê duyệt và ban hành bộ tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện địa phương; tổ chức để tổ chuyên môn nghiệp vụ cấp tiểu học nghiên cứu, đánh giá các bộ SGK làm căn cứ để các cơ sở giáo dục tham khảo lựa chọn.

Sở tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các trường về việc thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT và các tiêu chí lựa chọn SGK; ban hành công văn số 350/SGDĐT-GDTH ngày 17-2-2020 về việc hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trong đó có kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức cho giáo viên đọc, nghiên cứu SGK, thành lập hội đồng lựa chọn SGK, thực hiện các bước lựa chọn SGK theo quy định; chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn SGK của trường.

Đến giữa tháng 5-2020, các trường đã hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1, công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn. Các trường tiểu học công bố danh mục SGK lớp 1 đã được hội đồng lựa chọn đến phụ huynh bằng hình thức thông báo công khai trên cổng thông tin nhà trường, bảng thông báo tại trường, tờ rơi hoặc thông qua các cuộc họp phụ huynh; phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn để tổ chức giới thiệu công khai bằng nhiều hình thức cho phụ huynh học sinh có con 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 về SGK đã được lựa chọn sử dụng tại trường tiểu học trong năm học đến. Qua đó, bảo đảm 100% phụ huynh biết SGK sẽ thực hiện tại địa bàn, trường học mà trẻ dự kiến theo học lớp 1 năm học 2020; 2021 trước ngày 25-6-2020.

Sở GD-ĐT bảo đảm việc tiến hành lựa chọn SGK lớp 1 phục vụ năm học 2020-2021 chu đáo, kỹ lưỡng, đúng các quy định của Nhà nước và hết sức công bằng, công khai, minh bạch. Sở GD-ĐT đã tổng hợp kết quả lựa chọn sách, báo cáo Bộ GD-ĐT, UBND thành phố và thông tin đến các nhà xuất bản theo quy định. Để thuận lợi cho phụ huynh, các trường đã hướng dẫn phụ huynh học sinh khi đến các nhà sách, mang theo danh mục sách của trường mà học sinh theo học, bảo đảm không để học sinh không mua được sách; yêu cầu các nhà xuất bản tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn.

* Việc lựa chọn SGK gặp khó khăn gì, hướng giải quyết của ngành như thế nào, thưa bà?

- Từ ngày 16-7, Sở GD-ĐT phối hợp với các nhà xuất bản tiến hành tổ chức các lớp tập huấn sử dụng SGK (theo các bộ SGK các trường đã lựa chọn) cho 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 và cán bộ quản lý các trường tiểu học, hoàn thành việc tập huấn trước 15-8-2020.

Việc có nhiều bộ SGK khác nhau có nhiều ưu điểm và thuận lợi đã được nhiều diễn đàn chia sẻ, thảo luận. Chúng tôi xin phép không nhắc lại mà chỉ đề cập đến những khó khăn trong việc lựa chọn và sử dụng SGK lớp 1 theo Thông tư 01 mà ngành giáo dục cũng như phụ huynh, học sinh sẽ gặp phải và những giải pháp, đề xuất để khắc phục từ ngành giáo dục thành phố.

Hiện các trường đã thông báo danh mục sách giáo khoa đến từng phụ huynh có con trong độ tuổi vào lớp 1. Ảnh N.P
Hiện các trường đã thông báo danh mục sách giáo khoa đến từng phụ huynh có con trong độ tuổi vào lớp 1. Ảnh N.P

Giá bìa SGK mới cao hơn bộ SGK cũ (chưa tính đến sách bài tập, sách tham khảo, dụng cụ học tập...) sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân nói chung và người lao động nghèo nói riêng. Ngành giáo dục sẽ có khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra, dự giờ thăm lớp. Khó khăn khi học sinh chuyển trường phải mua SGK mới nếu trường mới có bộ sách khác trường cũ.

Thời gian đến, ngành giáo dục phải nghiên cứu, hướng dẫn kỹ việc sinh hoạt chuyên môn ở các trường: Căn cứ khung chương trình để nhận xét đánh giá, đặc biệt lưu ý việc sinh hoạt cụm chuyên môn ở các trường sử dụng những bộ SGK khác nhau. Sở GD-ĐT có kế hoạch làm việc với các nhà xuất bản cũng như có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về chính sách trợ giá SGK cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đầu tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo liên quan đến giá SGK, cũng như hỗ trợ giá SGK cho học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể từ Trung ương. Sở GD-ĐT sẽ theo dõi sát sao vấn đề này để phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu kịp thời đến UBND thành phố nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Tiếp tục hướng dẫn việc sử dụng SGK, sách hỗ trợ (sách bài tập, sách tham khảo...) hiệu quả để sử dụng trong nhiều năm học.

Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố: Không để xảy ra tình trạng thiếu sách

Qua nắm bắt ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố, nhiều ý kiến mong muốn Đà Nẵng chọn 1 bộ SGK để dạy học cho tất cả các trường, vì vậy, Thường trực HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố báo cáo vấn đề này tại kỳ họp. Tại phiên thảo luận, một số đại biểu kiến nghị Đà Nẵng nên chọn 1 bộ sách chung được đa số các trường lựa chọn để áp dụng chung trên địa bàn thành phố nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất. Chủ tọa kỳ họp cũng đã kết luận đề nghị UBND thành phố báo cáo xin ý kiến Bộ GD-ĐT.

Việc lựa chọn 1 bộ SGK sẽ tạo sự thuận lợi trong quá trình dạy và học của các trường trên địa bàn thành phố trong năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Vì theo Luật này, UBND thành phố sẽ quyết định lựa chọn sách giáo khoa thay cho trường chọn như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này thành phố không thể tự quyết định mà phải thực hiện theo quy định, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm bắt được quy định mới và có sự chủ động trong việc mua sách giáo khoa cho con vào lớp 1, chuẩn bị đầy đủ các bộ sách đã được trường chọn, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, đồng thời sớm triển khai kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên.

NGỌC PHÚ thực hiện

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích