Tìm giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên trên không gian mạng

.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo thông tư về việc học trực tuyến ở bậc phổ thông, đại học. Theo đó, việc đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trên không gian mạng là một yêu cầu bức thiết.

Nguy cơ từ Internet ngày càng khó lường  

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Theo thống kê, số học sinh 15 tuổi sử dụng 3 – 4 tiếng internet mỗi ngày chiếm gần 40%. Đây là một tỷ lệ rất lớn. Các em đang trong độ tuổi trẻ, bồng bột, tò mò nên rất dễ bị dao động, lôi kéo dụ dỗ…     

Ông Nam cho rằng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng an toàn trên mạng internet, hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội cho học sinh sinh viên là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại số như hiện nay rất cần trang bị cho giới trẻ kỹ năng phòng, chống và xử lý hậu quả trên môi trường mạng.   

Ngành giáo dục và các tổ chức giáo dục, xã hội cùng khởi động chương trình
Ngành giáo dục và các tổ chức giáo dục, xã hội cùng khởi động chương trình "Tư duy thời đại số và an toàn số". Ảnh: LV

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ: “Chương trình giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em đưa ra con số gây giật mình: Trung bình một ngày có 720.000 hình ảnh tin tức được đưa lên mạng có nội dung bạo lực. Phải có giải pháp hạn chế những hình ảnh này để bảo vệ con em chúng ta trên không gian mạng”.    

“Trên thực tế, có 2 nhóm phụ huynh: Một số quá lo lắng về việc con em sử dụng mạng xã hội, dẫn đến tình trạng cấm đoán, giám sát khiến trẻ em cảm thấy nghẹt thở; Nhóm 2 là không đủ kỹ năng, chưa đánh giá được tầm quan trọng, dẫn đến bỏ mặc trẻ em. Cả hai cách này đều đáng lo ngại. Tôi mong có những chương trình thực tế, tập huấn cho học sinh sinh viên, phụ huynh, nhà trường, để giúp phụ huynh yên tâm rằng con em mình sẽ an toàn hơn trên mạng xã hội”, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.     

Việt Nam đã có những hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như: Luật An ninh mạng, An toàn thông tin, Luật trẻ em dành riêng chương 4 quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo trẻ em được tiếp cận thông tin và tham gia các hoạt động xã hội một cách phù hợp. Tuy nhiên, để triển khai một cách quy mô tới nhà trường, gia đình để nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên vẫn còn hạn chế. 

Lời giải từ chương trình thực tế      

Là một giáo viên đang loay hoay tìm kiếm bộ giáo trình việc giảng dạy trực tuyến thời Covid-19, cô Trần Thị Thanh Trúc, Giáo viên trường THCS Trần Phú, TP Hồ Chí Minh đã tiếp cận khoá tập huấn về kỹ năng số của Facebook.     

Cô Thanh Trúc chia sẻ: “Thông tin được tập huấn rất nhiều nhưng tôi lựa chọn một số vấn đề phù hợp độ tuổi của khối học để ra bài giảng riêng biệt về tư duy thời đại số. Mỗi lứa tuổi có nhu cầu khác nhau, thích nghe nhạc nào, thích nhóm nhạc nào, phim nào… Hiểu nhu cầu các con thì thiết kế bài giảng gần gũi, từ đó được học sinh chú ý. Kinh nghiệm cho thấy là phải biến hóa lý thuyết thành lời lẽ thiết thực, hình ảnh gần gũi với sở thích của học sinh thì mới đạt dược hiệu quả”.     

Lâm Đồng là địa phương đầu tiên đưa chương trình kỹ năng số vào bài giảng cho học sinh. Ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết: “Nếu không nhanh tay giúp học sinh có kỹ năng về bảo vệ mình trên mạng thì chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm. Được tiếp cận với kiến thức đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trên mạng xã hội là một cơ hội tốt với giáo viên Lâm Đồng. Khi Sở triển khai tập huấn cho giáo viên về đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên trên internet, kỹ năng số của Facebook, chúng tôi khá bất ngờ khi hội trường kín mít. Giáo viên rất muốn lắng nghe”.    

Tại Việt Nam, những chương trình giúp học sinh an toàn trên không gian mạng đã được bắt đầu từ 2 năm trước đây. Cụ thể, phát triển trên nền tảng thành công của chương trình “Suy nghĩ trước khi chia sẻ” (Think Before You Share) đã được thực hiện năm 2018 và trang bị những kỹ năng số cơ bản cho hơn 50.000 bạn trẻ trên 10 tỉnh thành, Facebook tiến hành triển khai thí điểm chương trình “Tư duy thời đại số” tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Chương trình đã tiếp cận được 244.813 học sinh THCS và THPT và 1.227 giáo viên trên 13 tỉnh thành trong cả nước và nhận được phản hồi rất tích cực, giúp xác định được trọng tâm đào tạo trong năm tiếp theo.    

Đến nay, chương trình “Tư duy thời đại số” được thiết kế nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho học sinh, phụ huynh và các giáo viên các kỹ năng cần thiết để trở thành những công dân số có trách nhiệm. Chương trình cung cấp các khóa tập huấn và tài liệu giáo dục về các kỹ năng số quan trọng như cách bảo vệ danh tính số, tư duy phản biện, tôn trọng trong giao tiếp và thể hiện sự thấu cảm trên môi trường trực tuyến.  

Điểm đặc biệt của chương trình là lần đầu tiên các tài liệu học tập được đưa vào chương trình đào tạo chính quy của 1 trường đại học, và được chuyển thành khóa học trực tuyến miễn phí. Facebook sẽ phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội để đưa chương trình trở thành một môn học chính thức trong chương trình giảng dạy của trường, với mục tiêu đào tạo cho hơn 5.300 sinh viên của trường.  

 Bà Nguyễn Phương Chi, Quản lý Chính sách công Việt Nam, Facebook chia sẻ: “Với hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam, việc xây dựng một cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực luôn là trọng tâm trong các hoạt động của chúng tôi. Nhằm giúp đỡ các học sinh, sinh viên tiếp cận những kỹ năng công dân số và an toàn trực tuyến, “Tư duy thời đại số” hướng đến phát triển các kỹ năng số giúp người dùng thúc đẩy những hành vi tích cực trên mạng Internet và đảm bảo an toàn trực tuyến. Lần triển khai này, chúng tôi tiếp cận và đào tạo thêm hàng nghìn học sinh, sinh viên và giáo viên trên khắp cả nước trong năm tới. Vietnet- ICT sẽ giúp chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các giáo viên để cùng nhau xây dựng nội dung hướng dẫn và các hoạt động khác dành cho phụ huynh. Chương trình này là một phần của chiến dịch Facebook vì Việt Nam, giúp Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia số”.     

Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên trên internet là điều cấp thiết hiện nay. Khi vấn đề học trực tuyến được được công nhận chính thức thì học sinh sinh viên càng cần được tiếp cận những kỹ năng mềm để tự bảo vệ mình trên internet. Dự thảo thông tư về học trực tuyến bậc phổ thông, đại học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, dự kiến, sẽ được ban hành trước thềm năm học 2020- 2021.

Theo baotintuc.vn

 

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.