Hơn 5 năm trở lại đây, với sự đồng lòng, chung sức của đội ngũ sư phạm, Trường tiểu học Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) đã có tên trên bản đồ chất lượng giáo dục thành phố, trở thành lá cờ đầu dạy và học ở quận nhà.
Học sinh Trường tiểu học Điện Biên Phủ tham gia và đoạt giải cao trong Hội thi giao lưu tìm hiểu an toàn giao thông quốc gia năm 2019. Ảnh: N.P |
Sáng tạo trong cách dạy
Trong những năm qua, Trường tiểu học Điện Biên Phủ có quy mô 31 lớp, hơn 1.260 học sinh, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Để từng bước khẳng định chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo học tập, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng tăng cường quyền tự chủ cho giáo viên. Đến nay, 100% giáo viên trên chuẩn, trong đó có 5 giáo viên trình độ thạc sĩ, 4 giáo viên đang theo học thạc sĩ; nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố.
Cô Cao Thị Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đầu năm học, Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và đổi mới quản lý hoạt động chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành GD-ĐT. Trong đó, phân công những giáo viên là đảng viên, giáo viên giỏi về chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Từ đó, tạo điều kiện cho mỗi giáo viên phát huy tốt năng lực, sở trường của mình để xây dựng đội ngũ giáo viên và tổ trưởng chuyên môn đủ số lượng và chất lượng, “vừa hồng, vừa chuyên”.
Theo cô Cao Thị Liêm, nhằm đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, dạy học sáng tạo, nhà trường chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Trong đó tổ chức cho giáo viên thao giảng các chuyên đề bằng giáo án điện tử. Đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn cho giáo viên tự đăng ký số tiết dạy công nghệ thông tin trong năm học, tháng, tuần và đưa lịch báo giảng hằng tuần. Tổ trưởng chuyên môn tổng hợp tiết dạy, giờ dạy toàn tổ hàng tuần dán lên bảng kế hoạch để nhà trường và đồng nghiệp có thể chủ động dự giờ, thăm lớp. Cuối mỗi tháng, tổ trưởng chuyên môn tổng hợp toàn bộ giáo án điện tử và lưu vào đĩa CD làm tư liệu để chia sẻ cùng đồng nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin tốt nên các tiết dạy luôn có chất lượng; việc tổ chức dạy trực tuyến trong thời gian nghỉ học vì Covid-19 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Không để học sinh nhàm chán trong việc học, nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy học theo phương pháp “Học mà chơi” thông qua các trò chơi, cách xử lý tình huống, thông qua quan sát, các đợt đi tham quan dã ngoại, dưới hình thức tiểu phẩm được biểu diễn trong buổi sinh hoạt dưới cờ. “Hình thức tổ chức phong phú đã tạo điều kiện cho các em khắc sâu kiến thức trong sách giáo khoa gắn với thực tiễn cuộc sống. Nhờ vậy, các em phát triển toàn diện hơn”, cô Cao Thị Liêm chia sẻ.
Những mô hình hay trong học tập
Cô Nguyễn Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên Phủ cho biết, trong những năm qua, bên cạnh yêu cầu giáo viên chủ động sáng tạo trong cách dạy, nhà trường còn triển khai nhiều mô hình học tập. Nổi bật là 2 mô hình: “Dạy học theo hình thức liên kết đối tượng” và “CLB ứng dụng công nghệ 4.0 trong dạy và học”. Mục đích của mô hình nhằm nâng cao chất lượng môn Toán và tiếng Việt trong nhà trường, cũng như tạo sân chơi trí tuệ, sáng tạo, bổ ích cho học sinh.
Theo cô Nguyễn Thị Thảo, đối với mô hình “Dạy học theo hình thức liên kết đối tượng”, để đạt được hiệu quả cao, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên trong dạy học. Đồng thời chỉ đạo các tổ đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, phát triển năng lực học sinh. Bên cạnh đó, trường còn đề ra mô hình dạy học “Liên kết đối tượng, nâng cao chất lượng các CLB Toán, tiếng Việt trong trường” trong các tiết dạy Toán, tiếng Việt tăng cường, nhằm nâng cao chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà, đặc biệt là xóa yếu.
Vào đầu tháng 10 của từng năm học, các tổ chuyên môn tổ chức khảo sát chất lượng môn Toán, tiếng Việt để phân loại học sinh. Giáo viên chủ nhiệm dựa vào đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và chất lượng bài khảo sát để phân loại học sinh thành 2 đối tượng là học sinh tiếp thu bài tốt và học sinh tiếp thu bài ở mức trung bình, chậm. Từ đó, tổ chuyên môn họp, thống nhất liên kết giữa các lớp trong tổ sao cho hài hòa giữa số lượng học sinh các lớp. Đồng thời, thống nhất kế hoạch, nội dung dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn để các em tham gia giao lưu học sinh tiểu học cấp thành phố, cấp quận và tham gia các cuộc thi như Trạng Nguyên tiếng Việt, giải toán quốc tế Kangaroo... “Mô hình “Dạy học theo hình thức liên kết đối tượng” và “CLB ứng dụng công nghệ 4.0 trong dạy và học” là 2 giải pháp mang lại nhiều lợi ích tích cực trong phong trào mũi nhọn của nhà trường; giúp học sinh phát huy năng lực, năng khiếu cá nhân. Chỉ tính riêng trong năm học 2019-2020, đã có hàng trăm giải thưởng cấp thành phố, quốc gia, quốc tế nhờ phát huy sở trường từ 2 mô hình này”, cô Nguyễn Thị Thảo chia sẻ.
Với những nỗ lực trong dạy và học, từ năm học 2014-2015 đến nay, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà Trường tiểu học Điện Biên Phủ luôn đạt cao. Năm học 2017-2018, Trường được Chủ tịch UBND thành phố tặng Cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu khối tiểu học quận Thanh Khê; năm học 2018-2019, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học; năm học 2019-2020, được đề nghị Chính phủ tặng Bằng khen; là tập thể điển hình tiên tiến cấp quận giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, từ chỗ ngôi trường ít ai biết, đến nay, Trường tiểu học Điện Biên Phủ đã được phụ huynh trong và ngoài địa bàn quan tâm, gửi gắm con em.
NGỌC PHÚ