Giáo dục

Chương trình Tiếng Việt lớp 1: Giáo viên cần linh hoạt phương pháp dạy

08:38, 07/10/2020 (GMT+7)

Theo nhận định của nhiều giáo viên, môn Tiếng Việt trong bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không dàn trải nhưng nặng, đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt các phương pháp giảng dạy.

Cô Phan Thị Hồng Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 Trường tiểu học Lê Lai dạy đánh vần kết hợp bổ trợ hình ảnh bằng máy chiếu để tạo hứng khởi cho học sinh khi học. Ảnh: NGỌC PHÚ
Cô Phan Thị Hồng Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 Trường tiểu học Lê Lai dạy đánh vần kết hợp bổ trợ hình ảnh bằng máy chiếu để tạo hứng khởi cho học sinh khi học. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tiết đầu giờ ngày thứ 6 (2-10), cô Phan Thị Hồng Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp ½ Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu) dạy âm i và k cho học sinh. Để giúp các em quan sát và học tốt, cô Trang bổ trợ hình ảnh trên máy chiếu. Tiết học diễn ra sôi nổi, nhiều học sinh giơ tay phát biểu về hình ảnh trên máy chiếu.

Kết thúc phần dạy âm i, k, cô Phan Thị Hồng Trang cho biết, so với chương trình hiện hành thì sách Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nặng hơn. Mỗi ngày các em phải học đến 4 âm, vần, trong khi trước đây chỉ có 2 âm, vần. Vì vậy, để giúp các em dễ hiểu, giáo viên phải bổ trợ thêm hình ảnh.

So sánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình hiện hành, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho rằng, cả hai chương trình có một mục tiêu là giúp học sinh biết vận dụng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chương trình mới có xu hướng tăng nội dung học trong ngày thay vì dàn trải nên nặng hơn chương trình cũ.

Theo đó, chương trình cũ kết thúc phần học vần ở tuần 23, còn chương trình mới theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thì tuần 18, hết học kỳ 1 đã kết thúc phần học vần. Tuy vậy, nội dung phù hợp với sự phát triển của tâm lý học sinh hiện nay. “Với chương trình mới, các em học và đánh vần với từng chữ cái của bài và nhận diện trực quan những hình ảnh liên quan đến chữ cái đó. Ví dụ ở môn Tiếng Việt, từ những bức tranh trực quan sinh động, các em sẽ nhận diện âm mới mà mình sẽ học hoặc tìm ra từ tương ứng với nội dung đã học. Phương pháp trực quan sinh động này giúp kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh”, cô Nguyệt phân tích.  

Từ khi con vào lớp 1 đến nay, chị Nguyễn Thị Hiền (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) phải hỗ trợ con học đánh vần, viết chữ mỗi ngày, nhiều hôm đến hơn 21 giờ. Chị cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, con chị chưa học dự thính trước khi vào lớp 1, trong khi chương trình sách Tiếng Việt yêu cầu đánh vần, ghép vần ngay những bài học đầu tiên nên ít nhiều cháu gặp khó khăn. “Nhìn bộ sách Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới rất bắt mắt, có hình ảnh minh họa nên trẻ có vẻ hứng thú.

Tuy nhiên, so với chương trình cũ, số chữ, âm vần nhiều. Đặc biệt, nhiều bài có câu lệnh rất dài, quá sức với những học sinh khi vào lớp 1 mới tập đánh vần. Vì vậy, để bảo đảm cho học sinh tiếp thu tốt, thiết nghĩ giáo viên cần có những phương pháp dạy phù hợp. Ví dụ, những bài có nhiều câu nên dạy nhiều tiết để cho học sinh hiểu. Là một phụ huynh, tôi rất mong những ý kiến này được lắng nghe”, chị Hiền nói.

Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thành phố cho biết, đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình khung, chương trình cho 1 năm và người dạy cần phải hướng đến mục tiêu cụ thể dành cho người học. Sách giáo khoa chỉ là một ngữ liệu để tạo điều kiện cho giáo viên đạt được chương trình theo mục tiêu đặt ra. Vì vậy, giáo viên phải linh hoạt trong cách dạy. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dạy theo đối tượng học sinh và phát triển năng lực của học sinh chứ không dạy theo nội dung sách giáo khoa.

Bởi đây là chương trình mở - dạy học đâu, biết đó, chậm nhưng chắc - chứ không dạy chạy theo chương trình mà học sinh không hiểu bài. Vì vậy, Sở GD&ĐT sẽ họp và chỉ đạo vấn đề này trong thời gian tới”, bà Lê Thị Kim Ánh cho hay.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho rằng, 3 tuần đầu, giáo viên có thể vất vả do phải chuyển tải cả nội dung trong 2 tuần nghỉ vì Covid-19 chứ không phải khó do chương trình mới. Tuy nhiên, chương trình mới vẫn đòi hỏi giáo viên phải chủ động và linh hoạt hơn trong việc tổ chức bài dạy trên lớp phù hợp với học sinh của lớp mình. Vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình nên giáo viên phải vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh.

NGỌC PHÚ

.