Giảm số đầu điểm kiểm tra có giảm áp lực cho học sinh?

.

Theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này, học sinh THCS và THPT được giảm số đầu điểm kiểm tra. Theo đó, bài kiểm tra 1 tiết  được chuyển thành bài kiểm tra giữa kỳ. Qua ghi nhận ý kiến từ học sinh cũng như giáo viên, điều này giảm áp lực về bài kiểm tra nhưng tăng áp lực về hệ số điểm, nếu điểm bài kiểm tra giữa kỳ thấp.

Một tiết học Toán của cô và trò Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: NGỌC PHÚ
Một tiết học Toán của cô và trò Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: NGỌC PHÚ

Giảm áp lực đầu bài kiểm tra

Em Thanh Thảo (học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết, trước đây, trong một học kỳ, mỗi môn học có tối thiểu 1 bài kiểm tra 1 tiết, trong đó các môn chính như Toán, Ngữ văn có đến 3 bài. Điều này tạo áp lực cho học sinh vì phải luân phiên làm bài kiểm tra ở nhiều môn học. Vì vậy, Thông tư 26 giúp giảm áp lực về đầu bài kiểm tra đối với học sinh. Đây cũng là nhận xét của nhiều học sinh khối THCS, THPT khi Thông tư 26 được Bộ GD&ĐT ban hành.

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) cho biết, Thông tư 26 xuất phát từ thực tế công tác kiểm tra, đánh giá học sinh THCS và THPT có nhiều áp lực. Do đó, việc thay bài kiểm tra 1 tiết bằng bài kiểm tra giữa kỳ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh và giáo viên. “Trước đây kiểm tra nhiều, mỗi kỳ từ 2-3 bài kiểm tra 1 tiết, chưa kể đến việc kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng, kiểm tra cuối học kỳ, khiến học sinh áp lực trong việc học bài, giáo viên áp lực trong việc ra đề, chấm bài, ôn tập”, thầy Thụy nói.

Theo cô Võ Thị Minh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu), việc thay bài kiểm tra 1 tiết bằng kiểm tra giữa kỳ sẽ góp phần đánh giá các môn học ngang nhau, tránh phân biệt môn chính, môn phụ. Trong khi đó, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho rằng, việc kiểm tra ít hơn sẽ giúp học sinh có thêm thời gian tập trung học sâu các bài học hơn là dành thời gian ôn tập để đối phó với bài kiểm tra.

Tăng áp lực hệ số điểm

Em Quốc Nhật (học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám) nhận xét, việc giảm số bài kiểm tra giúp học sinh giảm thời gian làm bài, tuy nhiên lại tăng áp lực về điểm số. Nếu một học kỳ có nhiều bài kiểm tra 1 tiết, bài này điểm thấp sẽ có bài điểm cao “kéo” lên. Còn bây giờ, bài kiểm tra duy nhất đó có ý nghĩa quyết định, phản ánh toàn bộ quá trình học của học sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập cuối kỳ của môn.

Đây cũng là trăn trở của em Nhật Minh (học sinh lớp 10 Trường THPT Thái Phiên). Theo Nhật Minh, đối với môn Toán, em học tốt phần đại số, còn hình học thì yếu hơn. Nếu được thực hiện nhiều bài kiểm tra một tiết thì điểm phần đại số sẽ “kéo” điểm phần hình học. Vì vậy, bây giờ em có phần lo lắng điểm tổng kết môn sẽ không như ý muốn nếu giảm các bài kiểm tra 1 tiết thành 1 bài kiểm tra giữa kỳ và nhân hệ số 2.

Trong khi đó, thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) thông tin: Để tạo sự công bằng, không áp lực về việc dạy thêm, học thêm, nhà trường sẽ thực hiện đề chung cho toàn khối với bài kiểm tra giữa kỳ. Để học sinh nắm, làm bài tốt hơn, giáo viên toàn trường sẽ tăng cường thời lượng ôn tập, hệ thống hóa kiến thức. Còn cô Đinh Thị Thái Ngọc (giáo viên môn Toán, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) đề xuất: “Khi kiểm tra giữa kỳ, nhà trường cần phải giới hạn khung nội dung ôn tập để không gây áp lực cho học sinh khi phải ôn tập tràn lan”.

Ông Mai Tấn Linh cho rằng, với Thông tư 26, đầu điểm kiểm tra ít hơn và tạo ra sự mềm dẻo trong vấn đề kiểm tra, đánh giá. Theo đó, trong quá trình học tập, giáo viên có thể đánh giá năng lực học sinh, việc tiếp thu kiến thức trong quá trình dạy và học thông qua các sản phẩm học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm và thuyết trình trước tập thể… chứ không chỉ mỗi bài kiểm tra giữa kỳ.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.