Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Khê bằng cách làm mới, sáng tạo đã có những bước đột phá, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng GD&ĐT của địa phương.
Một tiết dạy Tiếng Việt tại Trường tiểu học Điện Biên Phủ. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Dạy học theo hình thức “liên kết đối tượng”
Nhằm nâng cao chất lượng cho từng đối tượng học sinh, nhiều trường học trên địa bàn quận Thanh Khê đã triển khai mô hình dạy học theo hình thức “liên kết đối tượng”. “Liên kết đối tượng” là phân loại, liên kết từng nhóm đối tượng học sinh, nhằm phát huy hiệu quả dạy học và mỗi trường sẽ có cách vận dụng riêng phù hợp điều kiện thực tế. Mô hình này được Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Cô Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, để thực hiện mô hình “liên kết đối tượng”, nhà trường triển khai theo các hình thức khác nhau. Căn cứ vào kết quả phân loại học sinh các lớp ngay từ đầu năm học, tổ chuyên môn sẽ lập kế hoạch dạy học “theo năng lực chung”, liên kết những đối tượng học sinh có cùng năng lực vào một lớp, mỗi tuần học 1 buổi. Đối với việc dạy học theo “năng lực riêng”, nhà trường tập hợp học sinh có cùng năng lực về một số môn học. Dựa trên cơ sở đăng ký tự nguyện của những học sinh có cùng sở thích, nhà trường thành lập CLB Toán học, CLB Tiếng Việt, CLB Tiếng Anh, CLB Tin học, CLB Cờ vua, CLB Mỹ thuật, CLB Robotics...
“Thời gian qua, mô hình dạy học này đã phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học. Qua đó, bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các em có năng khiếu phát huy tài năng và những học sinh khó khăn về học có cơ hội được học tập tốt hơn”, cô Trần Thị Vân cho hay.
Đối với Trường tiểu học Điện Biên Phủ, để việc dạy học theo hình thức “liên kết đối tượng” đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên trong dạy học.
Cô Cao Thị Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào đầu tháng 10 của từng năm học, các tổ chuyên môn tổ chức khảo sát chất lượng môn Toán, Tiếng Việt để phân loại học sinh. Giáo viên chủ nhiệm dựa vào đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và chất lượng bài khảo sát để phân loại học sinh thành 2 đối tượng là học sinh tiếp thu bài tốt và học sinh tiếp thu bài ở mức trung bình, chậm. Từ đó, tổ chuyên môn họp, thống nhất liên kết giữa các lớp trong tổ sao cho hài hòa giữa số lượng học sinh các lớp. Đồng thời, thống nhất kế hoạch, nội dung dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn để các em tham gia giao lưu học sinh tiểu học cấp thành phố, cấp quận và tham gia các cuộc thi như Trạng Nguyên Tiếng Việt, giải Toán quốc tế Kangaroo...
Vượt khó, nỗ lực dạy tốt
Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học, Phòng GD&ĐT tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm của các cấp học như: Tiếp tục triển khai việc đổi mới phương pháp dạy học, củng cố và nâng cao chất lượng dạy học ở các khối lớp thông qua sinh hoạt chuyên đề, dự giờ thăm lớp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy...
Hằng năm, vào đầu năm học, Trường THCS Chu Văn An xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển tối đa năng lực và phẩm chất học sinh.
Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để thực hiện việc đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy - học, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu sách hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các bộ môn học, nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để vận dụng vào giảng dạy, chú trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Theo ông Lại Tiến Hương, năm học 2019-2020, do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên có những giai đoạn, việc học của học sinh bị gián đoạn, Phòng GD&ĐT quận đặc biệt quan tâm chỉ đạo các trường học khảo sát chất lượng học sinh sau thời gian dài học tập tại nhà để chú trọng bổ sung kiến thức cho học sinh và tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém; triển khai nhiều biện pháp phối hợp nhằm hạn chế tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học. Nỗ lực của các trường đã giúp nhiều học sinh vượt qua mọi khó khăn, vươn lên học tốt.
NGỌC PHÚ