Nhà trưng bày Hoàng Sa - Nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh

.

Từ khi đưa vào hoạt động (3-2018) đến nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ là không gian văn hóa biển gắn với chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà còn là nơi để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ tương lai của đất nước có cơ hội học tập, nghiên cứu và cảm nhận về một phần máu thịt của Tổ quốc theo cách riêng của mình.

Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng tham quan triển lãm “Trên cánh đồng đại dương” do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức ngày 5-11 vừa qua. Ảnh: XUÂN DŨNG
Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng tham quan triển lãm “Trên cánh đồng đại dương” do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức ngày 5-11 vừa qua. Ảnh: XUÂN DŨNG

Theo thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Nhà trưng bày Hoàng Sa, tính đến ngày 24-11, Nhà trưng bày đã tiếp đón gần 56.000 lượt khách tham quan, trong đó đa số là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố với hơn 21.000 lượt, chiếm 38% tổng số lượt khách. Vì vậy, để tạo thuận tiện về thời gian cho học sinh đến tham quan, học tập, Nhà trưng bày mở cửa đón tiếp vào tất cả các ngày trong tuần và thường xuyên bố trí thuyết minh tại chỗ. Hằng năm, Nhà trưng bày Hoàng Sa thường xuyên phối hợp các trường học trên địa bàn thành phố đưa học sinh các cấp tới tham quan, học tập, giúp các em có kiến thức cũng như nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và tầm quan trọng về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, Nhà trưng bày đã thực hiện lồng ghép những bộ phim có nội dung về biển, đảo và Hoàng Sa trong buổi tham quan, học tập như: Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội từ bao giờ, Đất đảo có những hùng binh, Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc... Bên cạnh đó, Nhà trưng bày còn triển khai chương trình “Giờ học ngoại khóa” cho đối tượng học sinh các cấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, học sinh được tổ chức theo mô hình “Học mà chơi - Chơi mà học” với những hoạt động thi tìm hiểu, hùng biện, vận động nhằm tạo ra sự hứng thú và niềm yêu thích, say mê học môn Lịch sử; đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong thế hệ trẻ.

Vừa qua, từ ngày 21-10 đến 7-11, Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức triển lãm “Trên cánh đồng đại dương” đến 8 trường THPT trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Trong thời gian 3 ngày/trường, Nhà trưng bày đã xây dựng nội dung theo 3 phần, gồm: Hoàng Sa - Máu thịt của Tổ quốc, Trên cánh đồng đại dương Hoàng Sa và Tư liệu báo chí Hoàng Sa. Triển lãm đã lựa chọn những Tư liệu, bản đồ, hình ảnh, bài báo tiêu biểu nhất về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để giới thiệu đến học sinh.

Bằng cách sắp xếp, tạo hình đẹp mắt, thuyết minh sinh động, triển lãm đã thu hút đông đảo học sinh tham gia hưởng ứng. Hoạt động này cũng nhằm cung cấp kiến thức, tư liệu cho học sinh tham gia cuộc thi “Xây dựng video về Hoàng Sa - Biển, đảo quê hương” do Nhà trưng bày phát động. Kết thúc thời gian nhận bài (23-11), cuộc thi nhận được 12 tác phẩm của học sinh, nhóm học sinh gửi về. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm có sự đầu tư về cả hình thức và nội dung, thể hiện tình yêu, vốn hiểu biết của học sinh về quần đảo Hoàng Sa.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Tố Nhung cho biết, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo và Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam luôn là nội dung quan trọng, thường xuyên của nhà trường. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhiều hoạt động ngoại khóa phải tạm dừng, triển lãm “Trên cánh đồng đại dương” và cuộc thi “Xây dựng video về Hoàng Sa - Biển, đảo quê hương” do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức là những hoạt động sinh hoạt ngoại khóa có ý nghĩa thiết thực, bổ ích đối với các em. Để có tác phẩm chất lượng tham gia cuộc thi xây dựng video về Hoàng Sa, trường đã cử giáo viên tổ Địa lý, Lịch sử củng cố kiến thức và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ học sinh thực hiện. Kết quả, nhà trường chọn 2 tác phẩm chất lượng nhất gửi về Nhà trưng bày Hoàng Sa để dự thi.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công, tiếp nối thành công, hiệu quả của triển lãm “Trên cánh đồng đại dương” vừa qua, Nhà trưng bày sẽ tiếp tục triển khai các triển lãm chuyên đề tương tự đến các trường học trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, nhằm tăng cường giáo dục về chủ quyền biển, đảo đối với lứa tuổi học sinh. Hiện nay, Nhà trưng bày đang tiến hành sưu tầm, tập hợp các loại sách, tài liệu, hình ảnh, bản đồ… về chủ quyền biển, đảo để xây dựng thư viện Hoàng Sa nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu của độc giả, đặc biệt là nhu cầu học tập của học sinh.

Cũng theo ông Lê Tiến Công, nhằm mang lại sự đổi mới, vui tươi, phục vụ đối tượng tiếp cận là học sinh, ngoài các phim về biển, đảo và về Hoàng Sa đang chiếu, Nhà trưng bày sẽ thực hiện chiếu các phim về văn hóa - giải trí. “Ngoài trưng bày những tư liệu, hiện vật đang có, UBND thành phố đã đồng ý cho Nhà trưng bày mua bộ sưu tập vỏ ốc biển miền Trung với hơn 1.000 loài. Đây là bộ sưu tập vỏ ốc lớn nhất Việt Nam, hứa hẹn sẽ làm phong phú không gian và thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa”, ông Lê Tiến Công cho biết.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích