Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Thời gian qua, Đại học Đà Nẵng chú trọng hợp tác đào tạo các ngành mũi nhọn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thành phố và đất nước. Điều này phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thời gian qua, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng hợp tác, đào tạo các ngành chất lượng cao phục vụ nguồn nhân lực cho thành phố và đất nước. Trong ảnh: Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ (giữa) thăm gian hàng triển lãm về Khoa học kỹ thuật của sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: N.P
Thời gian qua, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng hợp tác, đào tạo các ngành chất lượng cao phục vụ nguồn nhân lực cho thành phố và đất nước. TRONG ẢNH: Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ (giữa) thăm gian hàng triển lãm về Khoa học kỹ thuật của sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: N.P

Xác định chiến lược phát triển khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, phục vụ nhu cầu phát triển các địa phương, doanh nghiệp, thời gian qua, Đại học Đà Nẵng đã có nhiều ký kết, thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như Tập đoàn Ô-tô Trường Hải (THACO). Đây là đối tác quan trọng, có truyền thống gắn bó với các trường thành viên trong hợp tác đào tạo nhân lực và đổi mới sáng tạo. Nổi bật như “Dự án nghiên cứu phát triển robot hàn khung vỏ xe” của các nhà khoa học thuộc Đại học Đà Nẵng đã được triển khai, ứng dụng hiệu quả tại THACO, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ và giá trị cạnh tranh cho các dòng Ô-tô trên thị trường trong và ngoài nước.

Vào tháng 10-2020, Trường Đại học Bách khoa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) triển khai dự án quốc tế xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng (Fujikin Danang R&D Center). Dự án được đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng số vốn 35 triệu USD. Theo PGS.TS. Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, hai bên sẽ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như: Thiết kế robot, chế tạo các thiết bị y tế thế hệ mới, triển khai công nghệ ứng dụng vật liệu, năng lượng sạch (Hydro, LED, Nano…), công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (AI, IoT…). Phía Tập đoàn Fujikin sẽ đầu tư trang bị phòng thí nghiệm công nghệ cao phục vụ đào tạo, nghiên cứu phát triển tại Trường Đại học Bách khoa. Fujikin cũng sẽ tuyển dụng các kỹ sư xuất sắc tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa để làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng.

Đặc biệt, lần đầu tiên, ngay trước mùa tuyển sinh 2020, Trường Đại học Bách khoa đăng cai lễ ký kết công bố phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư cùng 6 trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, thống nhất những nguyên tắc chung, chuẩn đầu vào, đầu ra trong các chương trình đào tạo kỹ sư phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập trên thị trường lao động khu vực và quốc tế. “Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị, chuẩn hóa văn bằng kỹ sư truyền thống mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao; người học được cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng, được kiểm định, đối sánh ngang tầm khu vực và quốc tế, nhờ đó gia tăng đáng kể cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS. Đoàn Quang Vinh chia sẻ.

Thành phố Đà Nẵng có 6.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Tại Đà Nẵng, nhiều cơ sở trường học đã hình thành hệ thống đào tạo CNTT mạnh mẽ như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (thuộc Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt Hàn... Các cơ sở đào tạo này là nguồn cung cấp nhân lực CNTT chủ yếu của thành phố Đà Nẵng, với số lượng đào tạo ước đạt trên 2.000 người/năm.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt - Hàn cho biết, chương trình đào tạo ngành CNTT của nhà trường được phát triển theo hướng mở, trong đó có yếu tố do doanh nghiệp thiết kế giảng dạy và đánh giá nhằm phù hợp hơn với từng yêu cầu của cơ sở doanh nghiệp theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp không có nguồn lực nghiên cứu, nhà trường không định hướng được thị trường; vì vậy, hai bên cần hợp tác, hỗ trợ với nhau để phát minh ra công nghệ mới, dẫn dắt thế giới công nghệ. Sự hợp tác cần được nâng ở mức cao hơn để phát triển nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm của sinh viên, giáo viên vào thị trường…

Năm học 2020-2021, Trường Đại học Bách khoa tiên phong mở mới ngành Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông; chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo thuộc Khoa CNTT. Đây là những chuyên ngành hiện đại, cung cấp những tri thức nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data)... Tiến sĩ Ngô Minh Trí, Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa cho biết, theo dự báo, nhu cầu nhân lực liên quan đến lĩnh vực CNTT dự kiến có thể thiếu hụt đến gần 200.000 người vào năm 2021 ở các vị trí việc làm như: chuyên gia dữ liệu (Data scientist), chuyên gia phát triển hệ thống nhúng (Embedded developers), kỹ sư nghiên cứu máy (Machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence). Để chủ động đón đầu xu thế ấy, Trường Đại học Bách khoa đã tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính bắt đầu từ năm học này. “Ngành Kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về thiết kế và phát triển hệ thống phần cứng và phần mềm; hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành đào tạo “hot” với nhu cầu cao trên thị trường lao động cạnh tranh trong nước và quốc tế”, Tiến sĩ Ngô Minh Trí chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, thách thức, cơ hội trong kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi các trường đại học phải nhanh chóng đổi mới, kết nối với doanh nghiệp, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế. Để thực thi sứ mệnh mới, Đại học Đà Nẵng đã đề xuất Trung ương xem xét thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng (trên cơ sở sắp xếp, đầu tư nâng cấp Đại học Đà Nẵng và một số trường đại học trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương lân cận). Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 9-7-2020 phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích 300ha (trong đó có 110ha thuộc địa giới hành chính phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với mục đích đáp ứng quy mô cho 60.000 sinh viên, 3.364 cán bộ giảng dạy và 5.000 cư dân, kể cả cư dân hiện hữu. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng Đại học quốc gia Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và cả nước.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.