Sân chơi bổ ích cho học sinh

.

Những năm qua, cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu chú trọng đầu tư, qua đó tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, trở thành điểm sáng về học sinh nghiên cứu KHKT trên địa bàn thành phố.

Trần Quang Minh (trái) với dự án “Thiết bị cảnh báo chống gù lưng” xuất sắc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật quận Liên Chiểu năm học 2020-2021. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trần Quang Minh (trái) với dự án “Thiết bị cảnh báo chống gù lưng” xuất sắc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật quận Liên Chiểu năm học 2020-2021. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhiều sáng kiến có tác dụng tích cực

Tại cuộc thi KHKT quận Liên Chiểu năm học 2020-2021, đề tài “Thiết bị cảnh báo gù lưng” của học sinh Trần Quang Minh (lớp 9/6, Trường THCS Lương Thế Vinh) xuất sắc đoạt giải Nhất ở lĩnh vực kỹ thuật. Quang Minh cho biết, gù lưng sẽ gây tuần hoàn máu kém, cận thị, bệnh xương khớp, mất vóc dáng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nguyên nhân do thói quen sinh hoạt của con người như tư thế ngồi, đi, đứng sai tư thế. Nhằm giúp người mắc bệnh ý thức được việc lưng gù khi đang ngồi, đi, đứng, Quang Minh đã nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm này với mục đích nhắc nhở người dùng chỉnh lại tư thế khi có dấu hiệu gù lưng, từ đó hỗ trợ họ khắc phục tật “lưng tôm”.

Thiết bị chống gù lưng của Quang Minh sáng chế có kích cỡ dài 50mm, rộng 25mm, dày 15mm; mặt trước có 1 lỗ nhỏ phía bên phải để lộ còi báo, mặt bên phía trái có công tắc và cổng sạc micro USB. “Để sử dụng, đeo thiết bị trong người bằng cách quấn dây dán Velcro ở khu vực nửa lưng hoặc gần gáy cổ, bật công tắc và hệ thống điện hoạt động. Máy sẽ báo chỉnh tư thế khi người dùng ngồi cong lưng vượt mức 30 độ so với phương thẳng đứng. Thiết bị sử dụng pin Lipo 3.7V với dung lượng là 300mAh. Hệ thống điện tiêu thụ trung bình 25-30mA. Qua thực nghiệm, thời gian pin sử dụng từ 6-8 tiếng”, Quang Minh nói.

Cũng trong cuộc thi này, đề tài “Tái chế rác thải hộp xốp để làm vật liệu cách nhiệt, cách âm” của 2 bạn Lê Uyên Quỳnh Châu và Trần Phương Ly (lớp 9/11 Trường THCS Nguyễn Lương Bằng) đoạt giải Nhất ở lĩnh vực môi trường. Đây là sản phẩm sau khi Quỳnh Châu và Phương Ly nghiên cứu kỹ tác hại của rác thải nhựa khi xả ra môi trường. “Thực tế, tại các quán ăn, nhà hàng, siêu thị…, rác thải nhựa luôn đầy ắp trong thùng rác. Việc không xử lý tốt loại rác thải này sẽ gây nguy hại cho môi trường sống, sức khỏe con người, động vật. Từ thực tế đó, chúng em đã đề xuất giáo viên hỗ trợ nghiên cứu cách tái chế rác thải nhựa”, Quỳnh Châu chia sẻ. Qua thực nghiệm, sản phẩm có thể giảm độ ồn, chống nóng mùa hè và chống lạnh mùa đông. Ngoài các tính năng trên, sản phẩm còn làm giảm được lượng rác nhựa thải ra môi trường.

Động viên học sinh sáng tạo

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, những năm qua, ngành GD&ĐT quận luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong lứa tuổi học sinh THCS. Mục đích, nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu KHKT, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống; tạo cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Cạnh đó, gắn hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Riêng năm học 2020-2021, có 53 dự án tham gia cấp quận, qua đó có 6 dự án đoạt giải Nhất. Các dự án này cũng được đề cử tham gia cấp thành phố.

Cuộc thi KHKT cấp quận năm nay, Trường THCS Lương Thế Vinh dành giải Nhất toàn đoàn. Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đạt được kết quả đó, hằng năm nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc phát động tham gia dự thi KHKT. Trước khi tham gia cuộc thi, nhà trường tổ chức phát động trong học sinh lên ý tưởng, giáo viên phác thảo gợi ý về nội dung và chọn tên đề tài, đồng thời hướng dẫn học sinh nghiên cứu tìm nguồn tư liệu cho sản phẩm, từ đó tập trung đi sâu vào nghiên cứu và cho ra giải pháp. “Để động viên học sinh tham gia, giáo viên tích cực hỗ trợ, nhà trường lo toàn bộ kinh phí cho các em mua sắm thiết bị, phương tiện nghiên cứ, đồng thời khen thưởng kịp thời khi các em đoạt giải”, thầy Bùi Duy Quốc nói.

Năm học 2015-2016, phong trào nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng rất hạn chế do Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo chưa hình dung cách làm. Quyết không để tụt lại sau, nhà trường đã thành lập đoàn đi học tập các trường, đồng thời thành lập ban chỉ đạo, tổ hỗ trợ tổ chức và tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng Phạm Thanh Bửu cho biết, nhà trường thành lập CLB KHKT của trường, lực lượng chính là giáo viên các tổ chuyên môn Lý - Công nghệ, Hóa - Sinh, Toán - Tin, Ngữ văn… và các em học sinh có đam mê, tìm tòi, thích nghiên cứu khoa học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. “Nhà trường đã chủ động phối hợp, mời các chuyên gia có kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân, các nhà khoa học, kỹ sư là cha mẹ học sinh có con em đang theo học tại trường, sinh viên các trường đại học có khả năng hướng dẫn và đánh giá các đề tài khoa học của học sinh hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ vậy, từ năm học 2017-2018 đến nay, phong trào nghiên cứu KHKT của nhà trường phát triển mạnh; nhiều dự án của học sinh đạt giải cao ở cấp quận và thành phố”, thầy Phạm Thanh Bửu chia sẻ.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích