Tạo sân chơi khởi nghiệp cho sinh viên

.

Hult Prize được xem là giải Nobel khởi nghiệp cho sinh viên trên toàn thế giới với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau. Từ cuối tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, giải thưởng này lần đầu tiên được tổ chức ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng với tên gọi “Hult Prize at DUT”. Điều đặc biệt, chương trình được tổ chức hoàn toàn bởi các sinh viên và dành cho sinh viên.

Đội thi LAUREL (sản xuất sữa đậu nành) giành giải Nhất cuộc thi Hult Prize at DUT.  						                   Ảnh: KHANG NINH
Đội thi LAUREL (sản xuất sữa đậu nành) giành giải Nhất cuộc thi Hult Prize at DUT. Ảnh: KHANG NINH

Trên sân khấu vòng chung kết cuộc thi Hult Prize at DUT được tổ chức vào ngày 17-1 vừa qua, Nguyễn Đình Huy, sinh viên năm 3, Khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) say sưa trình bày bằng tiếng Anh về ứng dụng di động WREF - một trong những dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hult Prize at DUT. Sử dụng kiến thức chuyên môn của ngành quản lý rủi ro thiên tai và công nghệ viễn thám, WREF giúp người nông dân kiểm soát, giải quyết những hao hụt của ngành nông nghiệp, hạn chế tổn thất trong quá trình sản xuất.

Huy chia sẻ, em sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều là nông dân, ngày còn nhỏ, Huy cũng như nhiều đứa trẻ khác trong làng thường... vui mừng mỗi khi mùa lụt đến bởi sẽ có dịp lội bùn, nghịch nước. Đến khi lớn lên, Huy hiểu được mùa lụt ám ảnh như thế nào đối với những người làm nông. Bước chân vào năm đầu tiên đại học, Huy tham gia vào nhóm nghiên cứu WREF. Sau hai năm, phiên bản đầu tiên của ứng dụng đã được ra mắt với nhiều tính năng như: dự báo thời tiết, cung cấp kiến thức nông nghiệp...

Đặc biệt, WREF tích hợp bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào Google Map, giúp người nông dân nắm rõ tính chất nông nghiệp của từng vùng đất cụ thể (diện tích, loại đất, độ PH, vi lượng, độ ẩm, mức độ cỏ dại, mức độ sâu bệnh...). Huy nói: “Chúng mình đăng ký tham gia với mong muốn đem công trình đến gần với người nông dân hơn. Để đi từ một nghiên cứu khoa học đến một dự án khởi nghiệp, nhóm đã phải rèn luyện kỹ năng thuyết trình, thuyết phục ban giám khảo; phải tập nhìn nhận vấn đề từ góc độ kinh tế, thị trường...”.

Ngoài WREF, tại Hult Prize at DUT còn có những dự án nổi bật ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề lương thực. Điển hình như dự án Multi-power-cricket của nhóm sinh viên Khoa Hóa và Khoa Điện tử - Viễn thông, sử dụng những chú dế bé nhỏ, nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng (protein, lipit, carbonhydrat...) kết hợp với các nguyên liệu như: tảo, cà rốt, củ riềng, cải ngọt, rau ngót...để tạo ra một số sản phẩm như: bột năng lượng, mỳ, bánh quy... có thể bảo quản lâu dài, đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng và tính tiện lợi.

Em Nguyễn Thị Minh Châu (sinh viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Hóa) cho biết, mô hình nuôi dế có vốn đầu tư thấp, dễ tiếp cận bởi quy mô nuôi trồng không tốn kém nhiều diện tích như nuôi các loài gia súc, giảm thiểu lượng phân, lượng CO2 thải ra môi trường. Châu bày tỏ: “Nhóm chúng em mong muốn tạo ra những thực phẩm từ nguyên liệu côn trùng (dế, châu chấu), vi tảo, rau củ quả... để cung cấp cho thị trường trong nước, sau đó có thể vươn tầm Đông Nam Á và các vùng đang có khủng hoảng lương thực trên thế giới”.

Hult Prize at DUT lần đầu tiên được tổ chức với đội ngũ hoàn toàn là các sinh viên. Em Kiều Thị Phượng, sinh viên năm 3, Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trưởng ban tổ chức chương trình (Campus Director) chia sẻ, chương trình được lên kế hoạch từ tháng 10-2020, bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ cốt lõi của ban tổ chức. Đến cuối tháng 11, Hult Prize at DUT tổ chức buổi chia sẻ thông tin đầu tiên, thu hút sự tham gia của hơn 80 sinh viên và 20 dự án đăng ký.

Phượng cho biết: “Lần đầu tiên tổ chức, chúng em đã gặp rất nhiều áp lực, thậm chí là hoang mang. Tuy vậy, em cố gắng kết nối với các trường đại học đã tổ chức thành công chương trình và cả những trường đang đi bước đầu như bọn em, từ đó kết nối tìm hiểu kinh nghiệm, truyền động lực cho nhau. Đặc biệt, sau buổi chia sẻ thông tin, em nhận thấy rất nhiều bạn sinh viên trường mình yêu thích chương trình và thật sự tâm huyết với dự án. Điều đó giúp chúng em có động lực để tiếp tục tổ chức các buổi huấn luyện”.

Ban tổ chức Hult Prize at DUT đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng để biết cách chuẩn bị cho các đội thi, mời ban giám khảo... “Sau chương trình này, chúng em dự định sẽ tiếp tục duy trì một không gian chung để các bạn thoải mái học hỏi, chia sẻ những kiến thức khởi nghiệp. Chúng em đã lên kế hoạch xây dựng các buổi hội thảo, mời những diễn giả là những người có kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học... để đến giao lưu với các bạn sinh viên”, Phượng nói.

Không chỉ thu hút sinh viên trong trường, sự kiện Hult Prize at DUT còn có sự tham gia của các tình nguyện viên là du học sinh hoặc sinh viên từ các trường đại học khác tại Đà Nẵng. Chẳng hạn như Lê Quang Sơn, phụ trách đối ngoại trong ban tổ chức là sinh viên năm nhất Trường Đại học Rochester (bang New York, Mỹ). Vì tình hình Covid-19 ở Mỹ phức tạp nên thời gian này, Sơn ở Việt Nam để học trực tuyến; đồng thời tham gia tình nguyện trong các chương trình xã hội.

Sơn chia sẻ, khi cùng tổ chức Hult Prize at DUT, Sơn đã nâng cao được kỹ năng làm việc nhóm, biết cách giải quyết những bất đồng để tìm ra tiếng nói chung. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Sơn cùng các bạn tìm kiếm nhà tài trợ cho một sự kiện sinh viên. “Sau thời gian tham gia ban tổ chức sự kiện, em cảm thấy mình đã trưởng thành hơn về mặt tinh thần và kỹ năng. Đây có lẽ là những trải nghiệm quý giá của thời sinh viên, dù học trực tuyến nhưng em vẫn có những cọ xát, va vấp và học hỏi trực tiếp từ chính bạn bè của mình”, Sơn bộc bạch.

Hult Prize là cuộc thi thường niên về khởi nghiệp tạo tác động xã hội dành cho sinh viên toàn thế giới, được Liên Hợp Quốc và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bảo trợ. Cuộc thi năm nay hướng tới mục tiêu tạo việc làm, kích thích nền kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng thực phẩm và cải thiện thu nhập cho 10 triệu người trên thế giới vào năm 2030. Chương trình “Hult Prize on Campus” là bước đi đầu tiên, bắt đầu từ việc thành lập Hội đồng thi cơ sở tại các trường đại học để tìm ra được 1 đội thi xuất sắc đại diện cho trường tham gia tiếp vào vòng thi Đông Nam Á, giao lưu và thi đấu với các đội đến từ những nước khác trong khu vực. Dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn tham dự chương trình tăng tốc của Hult Prize, tiến đến tham dự chung kết Hult Prize 2021 toàn cầu và có cơ hội nhận giải thưởng cao nhất với giá trị 1 triệu USD. Đề tài năm nay của Hult Prize là “Food for Good” - Biến lương thực, thực phẩm thành động lực đổi mới sáng tạo. Nhiệm vụ của thí sinh là nhìn vào bức tranh của ngành công nghiệp thực phẩm, từ đó tìm ra lỗ hổng và khắc phục nó bằng một mô hình kinh doanh.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.