Cách giáo dục học sinh chưa ngoan

.

Không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh chưa ngoan. Vì vậy, để những em chưa ngoan tiến bộ, người thầy phải đồng hành, yêu thương thật sự, độ lượng... để giúp các em tự tin, dần thay đổi bản thân. Đây là đúc kết chung của những giáo viên trong quá trình giáo dục học sinh.

Gần 20 năm làm nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hằng Trang đã hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhiều học sinh chưa ngoan trở thành học sinh ngoan. Ảnh: NGỌC PHÚ
Gần 20 năm làm nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hằng Trang đã hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhiều học sinh chưa ngoan trở thành học sinh ngoan. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thấu hiểu...

Cô Nguyễn Thị Hằng Trang, giáo viên Âm nhạc, kiêm Tổng phụ trách Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê) gần 20 năm làm nghề giáo, nhận định: “Với tôi, không có học sinh nào cá biệt, chỉ có học sinh ngoan và học sinh chưa ngoan. Học sinh chưa ngoan một phần là do chúng ta (giáo viên) chưa tìm ra được biện pháp hiệu quả, phù hợp để giáo dục các em trở thành những học sinh ngoan”. Theo cô Hằng Trang, quan tâm và thấu hiểu là điều cốt lõi để giáo viên giúp học sinh chưa ngoan trở thành học sinh tích cực.

Điển hình là trường hợp học sinh tên T. của cô Hằng Trang thường hay đi học muộn, ảnh hưởng đến lớp, việc ghi chép bài. T. cũng trở nên lầm lì và chưa ngoan trong mắt bạn bè. Một hôm, tình cờ cô giáo phát hiện cậu học trò bưng rổ hàng đi bán, thấy cô liền nhanh chóng quay đi như trốn. Cô giáo tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của học trò mới biết, nhà em rất khó khăn. Bố mất sớm, mẹ ốm đau nên sau mỗi buổi học về, em đi bán hàng để đỡ đần mẹ. Đi nhiều, về khuya nên ngủ muộn, dậy muộn. Do đó sáng nào cũng đi học trễ nhưng T.  không dám kể với ai vì sợ bạn bè chê cười...

Cô giáo báo cáo với nhà trường hoàn cảnh khó khăn của em để hỗ trợ và tuyên dương em trước lớp về việc em biết giúp đỡ gia đình. Được thầy cô quan tâm, bạn bè thấu hiểu, gần gũi và chia sẻ, em dần vui vẻ và điều chỉnh, việc học dần tốt lên và từ đó cũng thoát khỏi tên gọi “học sinh chưa ngoan”. “Việc quan tâm, thấu hiểu của giáo viên đối với học sinh là việc cực kỳ quan trọng. Sự bao dung, độ lượng của giáo viên mang lại kết quả bền lâu chứ không phải mệnh lệnh, áp đặt. Tình cảm chân thành từ giáo viên sẽ giúp các em tin tưởng, mở lòng bày tỏ, sẻ chia những khó khăn, mong muốn chính đáng của mình, cũng là cơ hội để giáo viên tìm con đường hiệu quả để giáo dục các em”, cô Hằng Trang rút ra kinh nghiệm.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, khi còn là giáo viên tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 8/6. Đây là lớp học mà hầu hết thầy cô giáo vào dạy đều lắc đầu vì các em không chịu học mà chỉ nghịch, trêu đùa nhau. Qua nắm thông tin, thầy biết được học sinh N.V.V - có nhiều trò nghịch nhất lớp  - có bố mất sớm, mẹ đi bán vé số dạo, không biết chữ nhưng vẫn quyết tâm cho 2 chị em đi học.

Thầy Phước gặp trực tiếp học sinh để hỏi thăm, động viên, giúp đỡ, trao đổi chân thành để học sinh thấy được tấm lòng của người thầy mà chia sẻ về bản thân, nguyện vọng. Đồng thời, thầy Phước trao đổi với giáo viên bộ môn để thay đổi thái độ, cách nhìn nhận với học sinh V; phân công các bạn có học lực khá, giỏi hỗ trợ V. học tập. Bản thân thầy cũng thường xuyên đến gặp gỡ phụ huynh để tạo sự thân thiện, gần gũi và hỗ trợ khó khăn khi cần thiết. Nhờ thực hiện những giải pháp như vậy nên V. - một học sinh “trùm quậy” đã thay đổi, học hành tiến bộ.

Nghiêm khắc nhưng không định kiến 

“Cách đây vài năm khi được nhà trường phân dạy môn Âm nhạc khối 7 thì có một cậu học sinh tên N. ở trong lớp không bao giờ chịu ngồi yên và thường xuyên gây tiếng động. Cậu bé rất khỏe, cậu có thể nhấc bổng bạn bè lên”, cô Hằng Trang nhớ lại. Ngày đầu tiên vào lớp, cô giáo thấy N. được giáo viên chủ nhiệm phân ngồi ở cuối lớp, cô liền giao nhiệm vụ cho N. lau bảng trong tiết học. Với nhiệm vụ đó, N. chuyển lên ngồi bàn đầu. Cô có thói quen hay dẫn chuyện các nội dung bài dạy nên trong suốt giờ dạy của mình, một chốc cô dừng lại để hỏi: “N, khi nãy cô giảng đến đâu rồi nhỉ!”, hay: “N, chăm chú thế, em có chỗ nào cần cô giảng lại không?”. Ngoài việc quan sát và quản lý lớp, cô dành một thời gian nhất định để quan sát và quản lý em. Lâu dần thành thói quen, cứ đến giờ học nhạc, N. lại chống cằm nhìn cô để chờ cô gọi hỏi.

Hết tháng đầu tiên, N. trở thành học sinh tích cực nhất trong giờ học nhạc của cô Hằng Trang. “Với học sinh mình có thể nghiêm khắc nhưng đừng định kiến. Phải quan tâm đến các em, dành cho các em cách nhìn như bao bạn nhỏ khác, đôi lúc (nếu có thể), mình còn phải “lơ” đi vài lỗi nhỏ để các em có cơ hội được sửa sai, trở thành người tốt”, cô Trang đúc kết.

C. là một cậu học sinh thường xuyên ngủ trong giờ học do chơi trò chơi trực tuyến đến khuya. Khi đến lớp, em chỉ ngủ nên không ghi bài, không học bài, không hiểu bài. Phụ huynh bất lực, tha thiết xin nhà trường giúp đỡ. Lúc này, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai âm thầm giúp em thay đổi. Hằng ngày, cứ giữa tiết học, cô đi ngang qua lớp để quan sát việc học của C. Nếu thấy em lơ là, cô bày tỏ sự không đồng tình, nhắc nhở em thực hiện nghiêm túc việc ghi bài. Nếu thấy em có dấu hiệu mơ màng, cô đưa em xuống khu vực bồn nước để rửa mặt tỉnh táo, rồi lại lên lớp cùng em. Trước hành động của cô Hiệu trưởng, C. ý thức được hành vi của mình ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và làm phiền thầy cô, nên đã thay đổi, điều chỉnh thái độ học tập, sinh hoạt của mình và dần tiến bộ. 

Sự chân thành, thấu hiểu… của giáo viên là chìa khóa giúp các em học sinh chưa ngoan thay đổi bản thân. Và đây chính là cách “trị” học sinh chưa ngoan hiệu quả nhất, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng, đáp ứng được niềm mong mỏi của phụ huynh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.