"Chạy đua" cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

.

Khoảng 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2021 diễn ra. Để đạt được kết quả tốt, các trường đang bước vào “cuộc đua” bổ sung kiến thức cho từng đối tượng học sinh.

Giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Phan Thành Tài (huyện Hòa Vang) ôn tập cho học sinh. Ảnh: NGỌC PHÚ
Giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Phan Thành Tài (huyện Hòa Vang) ôn tập cho học sinh. Ảnh: NGỌC PHÚ

Học sinh làm quen các dạng đề thi

Kỳ tuyển sinh đại học sắp tới, Phan Lê Văn Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đăng ký nguyện vọng 1 ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Để đạt điểm cao trong kỳ thi tới, Linh đang tập trung giải các bộ đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Linh đặt mục tiêu một ngày ít nhất giải được một đề. Những đề nào quá khó, Linh nghiên cứu, hỏi thêm thầy cô giáo nhằm tìm được phương pháp giải; quyết tâm tập trung học tập trong giai đoạn nước rút nhằm hoàn thành mục tiêu đỗ được nguyện vọng 1, không phụ lòng thầy cô giáo và cha mẹ.

Nguyễn Thị Bảo Phương (lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ) cho biết, sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào Ngành Quản trị Du lịch, thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Thời gian qua, song song với việc học chính khóa, học tăng cường theo kế hoạch của nhà trường, Phương còn tập trung học nhóm để cùng thảo luận giải các bộ đề thi. Phương cho rằng, việc học nhóm hỗ trợ bản thân rất nhiều khi việc cùng nhau giải quyết vấn đề giúp cả nhóm ghi nhớ rất lâu kiến thức.

Còn em Đặng Văn Đại Nguyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Thành Tài (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đặt mục tiêu đỗ nguyện vọng 1 Đại học Y Dược Huế. Xác định đây là trường đại học có điểm chuẩn cao nên hiện em đang dốc toàn lực để học tập. Ngoài các buổi học ở trường, thời gian còn lại, Nguyên học các môn tổ hợp tự nhiên mà mình đăng ký. Nguyên cho biết, đã tham khảo nhiều bài giảng về ôn tập tốt nghiệp trên mạng, kết hợp các bài giảng từ giáo viên nhà trường, từ đó rút ra phương pháp học riêng.

Đồng thời Nguyên tập trung giải các dạng đề, nhất là đề thi ở các trường đại học quốc gia có tổ chức thi riêng, bởi ở những đề này có độ khó cao. Đây là những thử thách giúp em có thêm kiến thức, kinh nghiệm khi tập trung giải đề.

Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, giáo viên Toán, Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, thực hiện chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, thời gian qua, các giáo viên bộ môn tăng cường ôn tập cho học sinh. Trong đó, tập trung giúp học sinh làm quen với tất cả các dạng đề thi của các năm trước. Đề thi môn Toán đều làm theo dạng trắc nghiệm nên giáo viên hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh để vừa đạt kết quả cao vừa bảo đảm thời gian. Trong khi đó, Trường THPT Phan Thành Tài xây dựng đề cương ôn tập nội bộ của trường, trên cơ sở dựa vào bộ đề minh họa của Bộ GD&ĐT cũng như các đề thi của các trường hàng đầu có tổ chức thi tuyển sinh riêng. Nhà trường chỉ đạo các giáo viên hỗ trợ học sinh giải đề thi trong các tiết dạy tăng cường, tạo cho các em kỹ năng làm bài tốt.

Tổ chức ôn tập phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, sở đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) về xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với điều kiện, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe học sinh. Trong đó, lãnh đạo các trường học chỉ đạo tổ (nhóm) chuyên môn, giáo viên thực hiện biên soạn nội dung ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. “Việc tổ chức ôn tập cho học sinh phải phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh có học lực trung bình, yếu cần hướng đến việc nắm được cơ bản chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Cạnh đó, tăng cường rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết để phân tích đề và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi; nghiên cứu, hướng dẫn và giúp học sinh làm quen với định dạng, cấu trúc của các các bộ đề thi minh họa, bộ đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD&ĐT trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ cho kỳ thi sắp đến”, bà Thuận nhấn mạnh.

Ghi nhận tại các trường THPT trên địa bàn thành phố, từ khi bước vào học kỳ 2, các trường thực hiện sắp xếp, bố trí các tiết dạy tăng cường cho học sinh. Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh khối 12 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn thống nhất biên soạn đề cương, hướng dẫn ôn tập và triển khai đến học sinh các lớp 12 từ ngày 15-3. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên hướng dẫn các em củng cố kiến thức, ôn tập thông qua các dạng bài tập ở các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) khác nhau với các chủ đề và nội dung trọng tâm để có kỹ năng tốt nhất trong làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Cô Mai Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, đặc thù của trường là đối tượng học sinh tuyển đầu vào thấp hơn các trường khác nên nhà trường luôn có kế hoạch dài hơi. Do đó, ngay từ khi bước vào năm học, nhà trường tiến hành phụ đạo 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh cho tất cả các học sinh của khối 12. Đến đầu tháng 3, nhà trường cho các em lựa chọn theo tổ hợp, qua đó tiếp tục tăng cường dạy phụ đạo. “Nhà trường quán triệt giáo viên các tổ chuyên môn xây dựng chương trình dạy phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đối với những em mất căn bản, các giáo viên bộ môn chú ý tập trung để lấy lại kiến thức, bảo đảm cho các em thi đỗ tốt nghiệp”, cô Phương Thảo nhấn mạnh.

Năm nay Sở GD&ĐT không tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 toàn thành phố như mọi năm. Vì vậy, các trường THPT tự xây dựng kế hoạch khảo sát chất lượng học sinh. Việc tổ chức khảo sát chất lượng học sinh cũng phải thực hiện đầy đủ quy trình như tổ chức kiểm tra cuối kỳ. Nhiều trường THPT cho biết, khi kết thúc học kỳ 2, sẽ tổ chức khảo sát chất lượng cho học sinh, qua đó tiếp tục đánh giá từng học sinh để có biện pháp ôn tập hiệu quả hơn.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích