THÍ ĐIỂM TIẾNG ĐỨC, TIẾNG HÀN TRỞ THÀNH NGOẠI NGỮ 1: LIỆU CÓ HIỆU QUẢ?

Bài cuối: Chỉ nên thí điểm ở những cơ sở giáo dục có điều kiện tốt

.

Đại diện một số trường học cho rằng, việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào chương trình học là xu thế tất yếu của hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện từng trường, bước đầu nên thí điểm ở những cơ sở giáo dục tốt để rút kinh nghiệm.

Đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào thí điểm là môn ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 3 đến lớp 12, điều tiên quyết chính là phải đầu tư cơ sở vật chất, con người (giáo viên). TRONG ẢNH: Một tiết dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu).  (Ảnh chụp tháng 10-2020)Ảnh: NGỌC PHÚ
Đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào thí điểm là môn ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 3 đến lớp 12, điều tiên quyết chính là phải đầu tư cơ sở vật chất, con người (giáo viên). TRONG ẢNH: Một tiết dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu). (Ảnh chụp tháng 10-2020). Ảnh: NGỌC PHÚ

Chương trình cần nhẹ nhàng

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định 712/QĐ-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức, tiếng Hàn - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm, nhiều phụ huynh đã tìm hiểu, nghiên cứu. Một số phụ huynh cho rằng, Bộ GD&ĐT bổ sung ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, còn có chọn học 2 thứ tiếng này hay không là quyền của học sinh. Điều này phù hợp xu thế thời đại. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh bày tỏ lo lắng. Chị Nguyễn Thị Minh Châu (quận Liên Chiểu) có con học lớp 2 trăn trở, tiếng Anh hiện nay là ngôn ngữ thông dụng nhất, tất cả học sinh đều nên học và phải học. Nếu chọn tiếng Đức hoặc tiếng Hàn làm ngoại ngữ 1 thì tiếng Anh sẽ bị xem nhẹ, trong khi tiếng Đức rất khó học. Trong khi đó, theo anh Nguyễn Văn Hạnh (quận Hải Châu), tiếng Đức là thứ tiếng hiếm, nếu theo học được sẽ có tương lai. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, nếu đưa tiếng Đức vào dạy ở trường và trở thành ngoại ngữ số 1 thì sẽ gặp không ít khó khăn và ít học sinh, phụ huynh lựa chọn.

Là một trong số ít trường học đã tiến hành dạy tiếng Đức, cô Huỳnh Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (quận Cẩm Lệ) cho rằng, nếu thí điểm chương trình dạy tiếng Đức hoặc tiếng Hàn trở thành môn ngoại ngữ số 1 theo quyết định của Bộ GD&ĐT thì nên đưa chương trình nhẹ hơn chương trình giảng dạy tiếng Đức của Ủy ban giáo dục phổ thông Cộng hòa Liên bang Đức tại nước ngoài (ZfA) mà nhà trường đang thực hiện. Phải làm sao để học sinh cảm thấy thích thú, không bị áp lực khi học tập thì các em mới lựa chọn.

Bày tỏ về vấn đề này, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trước đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về dạy các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Nga thành môn ngoại ngữ số 1, nay tiếp tục ban hành quyết định dạy tiếng Đức, tiếng Hàn là xu thế tất yếu. Ở Đà Nẵng, ngoài tiếng Anh,  thành phố đã triển khai dạy ngoại ngữ 1 tiếng Pháp tại một số lớp các Trường Tiểu học Phù Đổng, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Nguyễn Huệ, Trường THPT Phan Châu Trinh, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. “Khi mở rộng giao lưu mọi mặt với thế giới thì việc giảng dạy các ngôn ngữ nước ngoài là cần thiết theo từng giai đoạn phát triển, hội nhập của nước ta. Tuy nhiên, đây là chương trình thí điểm nên chắc chắn tùy địa phương chọn lựa học ngoại ngữ 1 cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội”, ông Mai Tấn Linh cho hay. 

Cần có lộ trình

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) cho biết, việc triển khai dạy ngoại ngữ tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí khó thực hiện. Bởi lẽ, nhà trường cần có cơ sở vật chất phù hợp như có riêng phòng học tiếng Đức hoặc Hàn được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học. Đặc biệt là có cộng sự người bản xứ có nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời phải tuyên truyền, giới thiệu, tư vấn, định hướng cho học sinh. “Nếu một trong 2 thứ tiếng này để học sinh lựa chọn ngôn ngữ thứ nhất thì chỉ có những học sinh có năng lực, thích thú, có định hướng tốt của bố mẹ về tương lai mới thành công được”, thầy Bùi Duy Quốc chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho rằng, rất khó thực hiện tại các địa bàn vùng khó khăn bởi cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên sẽ khó đáp ứng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT muốn thực hiện được thì phải có tiến độ, lộ trình cụ thể. Đồng quan điểm về những khó khăn gặp phải và tìm kiếm giải pháp cho việc triển khai chương trình đạt hiệu quả, theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), thứ nhất cần đội ngũ giáo viên giảng dạy chất lượng; thứ 2, cần nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động cho học sinh thực hành, giao lưu nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp. “Hiện nay, lực lượng giáo viên, trong đó giáo viên tiếng Đức khá hiếm nên cần có lộ trình đào tạo giáo viên để thực hiện chương trình”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt nói.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu nhận xét, việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn thí điểm làm ngoại ngữ thứ nhất của Bộ GD&ĐT xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên có xu hướng du học ở các nước Hàn Quốc và Đức. 2 quốc gia này cũng có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, việc đưa 2 ngôn ngữ này vào chương trình giáo dục là phù hợp xu hướng phát triển, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được tiếp cận. Ngoài ra, việc đưa 2 ngôn ngữ này vào chương trình ngôn ngữ thứ nhất theo hình thức tự chọn (không bắt buộc), Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị từ ban hành khung chương trình, mục đích, hệ thống tuần tự từ tiểu học lên THPT.

Tuy nhiên, theo bà Hà, trong thực tế, để triển khai cho học sinh tiếp cận ngôn ngữ mới có nhiều khó khăn. Đó là đội ngũ giáo viên sẽ chuẩn bị như thế nào, bởi không thể đặt hàng để đào tạo đội ngũ giáo viên vì không biết được nhu cầu từng trường. “Hải Châu là địa phương tổ chức dạy tiếng Nhật rất nhiều năm nhưng để tìm giáo viên dạy tiếng Nhật cũng là một vấn đề khó khăn. Nguyên nhân là mức lương trong nhà trường với bên ngoài quá chênh lệch nên tìm, tuyển không ra”, bà Hà chia sẻ. Vấn đề chọn sách giáo khoa cũng khá nan giải, bởi các nhà xuất bản sẽ không chắc sách mình in ra được chọn nên không dám viết sách, in sách…

Chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo các trường học về việc thực hiện chương trình, ông Mai Tấn Linh cho rằng, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương khi tiến hành thực hiện Quyết định 712/QĐ-BGDĐT. Qua đó, ngành GD&ĐT thành phố sẽ phối hợp, tham mưu kịp thời cho UBND thành phố việc đào tạo, tuyển dụng nhân sự; đồng thời xem xét, lựa chọn để thí điểm tại các cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm mang lại hiệu quả.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.