Từng bước nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi

.

ĐNO - Thời gian qua, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) có nhiều phương pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ đó, số lượng và chất lượng giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi của nhà trường tăng hằng năm.

. Ảnh: T.N
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được Trường THPT Thái Phiên tập trung chú trọng. Ảnh: T.N

Năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo chuyên môn, triển khai có chất lượng chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi, thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục toàn diện.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố là kỳ thi quan trọng đối với các trường THPT trên địa bàn thành phố vì kết quả của kỳ thi phản ánh chất lượng công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Xác định được tầm quan trọng đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu, các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ việc khảo sát, thành lập đến bồi dưỡng cho các đội tuyển ở từng bộ môn trên cơ sở nguyên tắc ưu tiên mọi nguồn lực cho kết quả tốt nhất, hiệu quả cao nhất.

Thầy Nguyễn Cửu Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian bồi dưỡng không nhiều, mỗi tuần chỉ dạy 3 tiết của ngày thứ Năm nhưng chương trình và dung lượng kiến thức phải tiếp nhận không nhỏ. Vì vậy thầy giáo, cô giáo cần nêu cao tính chủ động và sáng tạo, tận dụng thời gian”.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lập kế hoạch chỉ đạo công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và triển khai tới toàn giáo viên trong trường ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện còn phải đặc biệt coi trọng công tác phát hiện chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi, phải làm cho công tác này thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu của nhà trường.

Xuất phát từ tư tưởng chỉ đạo đó, nhà trưởng đã làm tốt công tác khảo sát, phát hiện học sinh giỏi, từ đó có kế hoạch, biện pháp bồi dưỡng; đồng thời xác định rõ cho giáo viên hiểu rằng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi hiệu quả là việc khó nhưng rất quan trọng.

Ngoài ra, cũng cần tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi để phát huy hết những tiềm năng hữu ích vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định cho giáo viên có ý thức tự rèn luyện, tích lũy, nâng cao việc bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu cho chính bản thân mỗi giáo viên dưới nhiều hình thức học tập khác nhau.

Đồng thời đẩy mạnh và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; tác động nhận thức để gia đình học sinh có sự quan tâm đầu tư đúng mức, đồng thời có những biện pháp tác động đặc biệt đối với những học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Mặt khác, giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm việc học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên và giúp cho học sinh hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về kiến thức, cũng như tạo tâm lý thi cử vững vàng cho các em.

. Ảnh: XUÂN SƠN
Một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường THPT Thái Phiên. Ảnh: T.N

Nhờ đó, hoạt động này đã mang lại kết quả tốt thể hiện qua số giải học sinh nhà trường tham gia dự thi học sinh giỏi cấp thành phố đạt được tăng cả về số lượng lẫn chất lượng theo từng năm. Cụ thể, năm học 2017-2018, học sinh nhà trường đạt 40 giải: 5 Nhất, 6 Nhì, 8 Ba, 21 giải Khuyến khích; năm học 2018-2019, đạt 53 giải: 5 Nhất, 9 Nhì, 19 Ba, 20 Khuyến khích, năm học 2019-2020 đạt 92 giải: 11 Nhất, 19 Nhì, 28 Ba, 34 Khuyến khích; đến năm học 2020-2021, đạt 123 giải với 27 giải Nhất, 34 giải Nhì, 32 giải Ba và 30 giải Khuyến khích...

Những kết quả trên đã giúp nhà trường khẳng định được vị thế là một trong những trường tốp đầu trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo thầy Nguyễn Cửu Huy, để có được kết quả trên, nhà trường thực hiện đồng bộ bốn khâu: lựa chọn giáo viên giảng dạy; tuyển chọn học sinh, tổ chức dạy học; kiểm tra đánh giá; khen thưởng. Khi tập trung đội tuyển học sinh giỏi, tất cả các giáo viên dạy đội tuyển đều phải tham gia giảng dạy và chịu trách nhiệm về chuyên đề mà mình phụ trách.

Thầy Nguyễn Cửu Huy cho biết, thời gian đến, nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Đồng thời chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi các cấp, cũng như tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và các trường đại học, cao đẳng.

THẢO NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.