Giáo dục

Chọn ngành học đúng năng lực và sở trường

14:06, 12/05/2021 (GMT+7)

Được tư vấn hướng nghiệp từ bậc phổ thông, tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh qua hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp từ các trường đại học, cao đẳng nhưng đến mùa tuyển sinh, câu chuyện chọn ngành, chọn trường vẫn khiến không ít phụ huynh, học sinh băn khoăn.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đặt câu hỏi về chọn trường trong buổi tư vấn hướng nghiệp của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng vào giữa tháng 4-2021.                                Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đặt câu hỏi về chọn trường trong buổi tư vấn hướng nghiệp của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng vào giữa tháng 4-2021. Ảnh: NGỌC HÀ

Sống theo đam mê

Tốt nghiệp một trường đại học (ĐH) có tiếng tại Đà Nẵng, N.Q (quê Quảng Nam) được tuyển vào làm việc tại doanh nghiệp tư nhân với mức lương tương đối cao và từng bước trở thành trưởng đại diện chi nhánh miền Trung. Đang ở vị trí nhiều người mơ ước, Q. quyết định từ bỏ để sống với sở thích nghề nghiệp của mình là một nhà diễn thuyết. Anh Q. cho biết, ban đầu chọn ngành theo hướng dễ có việc làm sau khi ra trường nhưng đến khi đi làm thực tế mới nhận ra mình chọn nhầm. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh “mạnh dạn” chuyển hướng.

Tương tự, L.P (quận Hải Châu, Đà Nẵng), tốt nghiệp cử nhân ngành marketing, nhưng khi ra trường, trải nghiệm công việc ở vài công ty lại không thấy hứng thú nên L.P quyết định dừng lại. Trong thời gian định hình công việc, L.P làm gia sư “tại gia”. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh tìm đến gửi con ngày một đông.

“Hồi học cấp 3, tôi học khá tốt nhưng kết quả THPT lại không như mong đợi, lo sợ nên chọn ngành học có điểm đầu vào tương đối để đậu ĐH. Cứ học vậy thôi và ra trường đi xin việc như nhiều người nhưng rồi không hợp. Tôi cũng không nghĩ mình lại gắn bó với nghề dạy học, song càng dạy càng thích. Tôi đang phân vân không biết sẽ tiếp tục nộp đơn xin việc hay chọn nghề gõ đầu trẻ”, L.P trăn trở.

Chia sẻ về điều này, Hà Phạm Bích Trâm (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hiện là sinh viên khoa Khoa học Y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng) cho biết, khá nhiều trường hợp băn khoăn giữa chọn ngành học yêu thích hay ngành “hot” của xã hội hoặc thậm chí không biết chọn gì.

“Tốt nghiệp THPT, tôi từng phân vân về định hướng nghề nghiệp. Có thành tích khá tốt ở môn Sinh, tôi được tuyển thẳng vào một trường ĐH danh tiếng. Song nếu học lên ĐH vào thời điểm đấy thì tài chính là cả một vấn đề, dù vẫn được xét học bổng. Quan trọng hơn là tôi không biết học xong để làm gì. Kỹ năng giao tiếp không có, kỹ năng giải quyết cảm xúc cũng không. Tôi quyết định dừng lại và mất 2 năm để tìm hướng đi cho mình. Với những gì trải qua, tôi muốn chia sẻ với các bạn, hãy biết mình muốn gì và nỗ lực, quyết tâm với con đường mình chọn”, Trâm nói.

Đúng ngành và có trách nhiệm

Theo ghi nhận, nhiều trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố đang chạy nước rút trong công tác tư vấn tuyển sinh. Trong tháng 4-2021, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thực hiện hành trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh tại 2 điểm Trường THPT Phan Châu Trinh và Trường THPT Hòa Vang; kế đến là các trường THPT tại Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh, thành khác nhằm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn ngành, nghề phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng tổ chức ngày hội “Trải nghiệm VKU”, đưa học sinh tham quan khu thực hành thí nghiệm, ký túc xá, khu thể thao; tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trực tiếp thiết kế website với sinh viên ngành Công nghệ thông tin, trải nghiệm sàn thi đấu RoboCar ngoài trời đạt chuẩn khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn chia sẻ, việc chọn đúng ngành, học đúng trường chất lượng đóng vai trò quyết định cho nghề nghiệp tương lai. Chọn đúng ngành phải thỏa mãn hai điều kiện là đúng sở thích, đam mê, khả năng của mỗi thí sinh và phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường lao động trong thời gian đến. Vấn đề còn lại là chọn học đúng trường, có chất lượng thật sự về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, điều kiện học tập tốt, chương trình đào tạo mới, nhất là nhiều hoạt động bổ ích giúp sinh viên phát triển kiến thức, kỹ năng.

PGS, TS Võ Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, câu chuyện chọn ngành, chọn trường ở nước ta mấy chục năm nay vẫn loay hoay với ngành trọng, ngành khinh; ngành hot, ngành đỉnh... để đến khi ra trường vẫn ấm ức việc chọn đúng, chọn sai...

Vì vậy, PGS, TS Võ Văn Minh khuyên thí sinh nên lựa chọn ngành nghề học một cách có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội... Trước hết, nên phân tích bản thân về sở trường, sở thích, năng lực học và cả năng lực tài chính của gia đình. Sau đó, hãy nghĩ đến những ngành nghề thích hợp với bản thân trong tương lai.

“Hãy tìm kiếm, liệt kê các ngành học và trường đào tạo liên quan; tiếp đến là phân tích các yếu tố về khả năng trúng tuyển, học phí, môi trường học tập... Cuối cùng tham vấn người thân, thầy cô và cả việc liên lạc với bộ phận tư vấn tuyển sinh để tìm hiểu kỹ thông tin.

Việc quyết định phải do chính mình và kiên định mục tiêu học tập, rèn luyện. Các em đừng quá lo lắng sợ không có cơ hội mà chỉ nên lo cơ hội đến mà bản thân không đáp ứng được. Không ai khác chính mình phải là người chèo lái “con thuyền” sự nghiệp của mình. Đừng giao phó cho một ai khác quyết định điều đó”, PGS, TS Võ Văn Minh chia sẻ.

NGỌC HÀ

.