Giáo dục

Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh

13:47, 19/07/2021 (GMT+7)

Ngày 17-10-2019, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 7048/KH-UBND về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019-2025. Theo đó, năm 2020, có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN), 20% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các CSGDNN. Thế nhưng, vì nhiều lý do nên việc phân luồng học sinh không đạt mục tiêu đề ra.

Nhóm 4 học sinh đồng bào Cơ tu ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Khu nội trú Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang). Trong đó, chỉ có 1 em sẽ học nghề, còn 3 em đăng ký thi vào đại học. (Ảnh chụp ngày 2-7) Ảnh: THANH VÂN
Nhóm 4 học sinh đồng bào Cơ tu ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Khu nội trú Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang). Trong đó, chỉ có 1 em sẽ học nghề, còn 3 em đăng ký thi vào đại học. (Ảnh chụp ngày 2-7). Ảnh: THANH VÂN

Tâm lý ngại học nghề

Năm 2016, H.A.T, học sinh Trường THPT Thái Phiên tốt nghiệp THPT. Thay vì đăng ký học nghề theo lời khuyên của cô giáo chủ nhiệm, em quyết định đăng ký xét tuyển vào một trường đại học dân lập trên địa bàn thành phố. Sau 4 năm học vất vả vì học lực ở mức trung bình,  H.A.T cũng tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin.

Sau thời gian thử việc nhưng không được tuyển dụng, em mở một tiệm bánh ngọt trên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê. T. tâm sự: “Em nộp đơn 3 chỗ nhưng đều không qua vòng thử tay nghề. Cuối cùng em quyết định đi học lớp làm bánh, may mà em sống được với nghề này. Tiếc rằng em mất đến 4 năm để học một nghề không phù hợp với năng lực của mình”.

Theo cô Nguyễn Khoa Phi Yến, giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), việc học “nhầm” trường là vấn đề phổ biến hiện nay. Là giáo viên chủ nhiệm, cô hiểu sức học, khả năng của từng em. Vì vậy, với những học sinh có lực học trung bình, yếu, cô đều khuyên các em chọn học nghề để cơ hội có việc làm sau khi học cao hơn. Tuy vậy, không nhiều phụ huynh và học sinh nghe theo lời khuyên của cô.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để thực hiện công tác hướng nghiệp, qua đó giúp các em chọn ngành nghề phù hợp năng lực.

Mặc dù vậy, việc hướng nghiệp, phân luồng đang gặp trở ngại lớn khi học sinh và phụ huynh luôn ưu tiên học đại học thay vì học nghề. Năm 2020, thành phố có 12.716 em tốt nghiệp THPT thì chỉ có 1.066 em đăng ký học nghề (8,3%), còn lại hầu hết tiếp tục vào đại học.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, năm 2020, bên cạnh yếu tố khách quan là dịch bệnh và mưa bão, việc học sinh lẫn phụ huynh chọn học đại học thay vì học nghề là nguyên nhân chính khiến hầu hết các trường nghề trên địa bàn tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Cụ thể, 70 CSGDNN của thành phố chỉ tuyển được 25.942 chỉ tiêu, đạt 47,6% so với kế hoạch. Trong số này, số học sinh có hộ khẩu tại thành phố đăng ký vào các CSGDNN chỉ có 10.891 em, chiếm 42,98% tổng số học sinh vào học nghề. Đặc biệt, trong năm 2020, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề chỉ chiếm tỷ lệ 6,6% trên tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp “hụt hơi”  trước trường đại học

Hệ thống giáo dục đại học tư thục đang gây áp lực lớn lên các CSGDNN trong công tác tuyển sinh hằng năm. Với tiêu chí xét chọn thấp, cánh cửa vào các trường đại học gần như mở toang. Không chỉ vậy, các trường đại học nói chung và tư thục nói riêng còn làm tốt công tác hướng nghiệp tuyển sinh. Hằng năm, các trường đại học phối hợp với báo chí và một số doanh nghiệp tổ chức Ngày hội hướng nghiệp hoặc Ngày hội việc làm, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Thông qua các hoạt động này, học sinh nắm thông tin khá đầy đủ về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh, cơ hội việc làm, những suất học bổng ưu tiên cho học sinh giỏi, con gia đình có công với cách mạng... Ngược lại, các CSGDNN tỏ ra “hụt hơi” trong cuộc đua này khi công tác tuyển sinh hằng năm vẫn theo cách truyền thống, dưới dạng đăng thông tin trên trang thông tin của trường, dán thông báo tuyển sinh ở một số tuyến đường trước ngày nhận hồ sơ.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của các CSGDNN cũng khiến việc dạy nghề mất điểm trong mắt thí sinh. Hiện nay, ngoài các trường như Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Giao thông vận tải Trung ương 5, Cao đẳng Thương mại... có cơ sở hạ tầng tương đối bảo đảm, có thể so sánh với các trường đại học, thì số còn lại hạn chế về nhiều mặt.

Quyết định số 2971/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 8-7-2019 xác định phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng theo chuẩn quốc tế và là trường đầu tàu trong đào tạo các nghề kỹ thuật, công nghệ thông tin... cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sau hai năm triển khai, mọi việc đang dậm chân tại chỗ do chưa chọn được địa điểm xây dựng. Hiện có 7 nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường đào tạo lái ô-tô nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội nhưng không có quỹ đất triển khai.

Có thể thấy, tất cả tồn tại này của CSGDNN đều không mới. Thế nhưng, dường như mọi việc vẫn chưa chuyển biến. Vì vậy trong tương lai gần, khó có sự thay đổi lớn về sự phân luồng học sinh vào trường nghề và đại học. Như vậy tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là điệp khúc chưa đến hồi kết.

THANH VÂN

.