Lịch sử, văn hóa địa phương vào sách giảng dạy

.

Năm học 2021-2022, cùng với cả nước, ngành giáo dục thành phố dạy học theo sách giáo dục địa phương ở các lớp 1, 2 và 6. Đây là cơ hội để học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử vùng đất mình đang sinh sống.

Phụ huynh cùng con tham gia chương trình tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh chụp trước khi có Covid-19) 	  	                             Ảnh: NGỌC HÀ
Phụ huynh cùng con tham gia chương trình tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh chụp trước khi có Covid-19).  Ảnh: NGỌC HÀ

Thực hiện theo lộ trình

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho mỗi tỉnh, thành phố tổ chức biên soạn sách Giáo dục địa phương, trình bộ thẩm định, phê duyệt. Sách gồm 12 cuốn, từ lớp 1 đến lớp 12. Lộ trình triển khai sách cụ thể: Năm học 2020-2021: lớp 1; năm học 2021-2022: lớp 2 và 6; năm học 2022-2023: lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024: lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025: lớp 5, 9 và 12. Mỗi lớp bố trí 8 chủ đề (bài học), dạy học 1 chủ đề/4 tiết, 1 tiết/tuần.

Nội dung lịch sử, văn hóa lớp 1 có 3 chủ đề gồm: Ứng xử trong gia đình, Di tích lịch sử thành Điện Hải và Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ. Lớp 2 có 4 chủ đề gồm: Ứng xử trong nhà trường, Truyền thống văn hóa của thành phố Đà Nẵng, Danh tướng Nguyễn Văn Thoại và Lễ hội cầu ngư. Lớp 6  có 4 chủ đề gồm: Tên gọi Đà Nẵng qua các thời kỳ, Di sản văn hóa vật thể ở thành phố Đà Nẵng, Phong trào tương thân tương ái và Xây dựng trường học hạnh phúc.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ biên bộ sách Giáo dục địa phương Đà Nẵng cho biết, mục tiêu của các chủ đề/bài học là trang bị cho học sinh hiểu biết phù hợp với lứa tuổi về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương - những nội dung mà chương trình khung của Bộ GD&ĐT ban hành và sách giáo khoa chung của cả nước không đề cập đến. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, những giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của địa phương; từ đó bồi dưỡng những giá trị nhân văn, lòng yêu quê hương đất nước.

“Nhóm biên soạn mong muốn sau mỗi năm học và khi học xong lớp 12, môn Giáo dục địa phương góp phần cùng các môn học và hoạt động khác giáo dục cho các em về đạo đức, lối sống, kỹ năng một cách hệ thống, cơ bản, toàn diện hơn so với chương trình trước đây, nhất là lĩnh vực lịch sử, văn hóa của thành phố quê hương. Trong mỗi chủ đề/bài học, sách được biên soạn theo trình tự giới thiệu - tìm hiểu - nhận biết - trải nghiệm để học sinh nắm được tri thức cơ bản và thực hành (đa dạng) trong điều kiện thực tế của thành phố”, thầy Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.

Cần gắn với trải nghiệm thực tế

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào sách giáo khoa không chỉ giúp các em hiểu biết về các địa danh, làng nghề truyền thống nơi mình đang sinh sống, mà còn khơi gợi niềm tự hào về quê hương. Qua đó góp phần giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước; niềm tự hào dân tộc để bản thân mỗi em cố gắng học tập thật tốt, xứng đáng là công dân nhỏ của thành phố đáng sống. Tuy nhiên, để những nội dung này thấm sâu vào các em, nhà trường cần xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), cần có hình thức, phương pháp giảng dạy linh hoạt như cho học sinh xem phim về các làng nghề truyền thống, lễ hội, các địa danh; tổ chức tham quan trải nghiệm thực tế; cho học sinh thi thuyết trình viên nhí, làm hướng dẫn viên du lịch...

Thực tế nhiều năm qua, chương trình “Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng” do Sở GD&ĐT thành phố phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục lịch sử địa phương. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, việc đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào sách và chủ trương đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT là cơ sở để các trường học tích cực hơn nữa trong việc đưa học sinh đến bảo tàng.

“Về phía bảo tàng, chúng tôi sẽ xây dựng thêm các kịch bản chương trình, chủ đề phù hợp cho từng độ tuổi, cấp học, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học. Tùy theo từng chủ đề nhà trường lựa chọn, cán bộ làm công tác giáo dục bảo tàng sẽ sử dụng các phương pháp truyền đạt khác nhau. Tôi nghĩ đẩy mạnh giờ học ngoại khóa sẽ dần dần hình thành thói quen đi bảo tàng, di tích để học tập trực quan, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ di sản của thế hệ trẻ”, ông Chuẩn bày tỏ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích