Giáo dục đại học: Biến thách thức thành cơ hội

.

Tổ chức hội thảo, ký kết và dạy học trực tuyến… là những hoạt động xuyên suốt được các trường đại học triển khai trong bối cảnh cán bộ, giảng viên, sinh viên tạm dừng đến trường. Đây là nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời là bước đệm cho chuyển đổi số của giáo dục đại học.

Một phần thi tại Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh ETC-2021 do Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức trong thời gian giãn cách xã hội.  Ảnh: NGỌC HÀ
Một phần thi tại Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh ETC-2021 do Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: NGỌC HÀ

Duy trì hoạt động giáo dục

Theo thống kê của Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, bên cạnh hoạt động dạy và học trực tuyến, các chương trình hợp tác, hội nhập cũng như kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên vẫn diễn ra xuyên suốt trên không gian mạng.

Có thể kể đến một số hoạt động mang tầm quốc gia và khu vực như: Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, bản ngữ và quốc tế học trong thời kỳ hội nhập” (tổ chức tháng 10), đánh giá ngoài chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 229 của hội đồng bảo đảm chất lượng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (tổ chức tháng 10); chương trình liên kết đào tạo sau đại học tại Hàn Quốc (tổ chức tháng 9).

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn… cũng tổ chức thành công các sự kiện trực tuyến thu hút lượng lớn sinh viên tham gia trong tháng 10 như: Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh ETC-2021, Vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Startup Runway 2021, Webinar chương trình AI For Youngster về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo…

Sinh viên Phạm Vũ Thu Nguyệt, thành viên đội thi Guardians - giải Nhất Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh ETC-2021 do ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt- Hàn tổ chức - chia sẻ, đúng với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, cuộc thi tạo không khí thi đua sôi nổi trong sinh viên nhà trường. “Vượt qua rào cản địa lý, mỗi thành viên của đội ở các địa phương khác nhau (Đắk Lắk, Kon Tum và Thừa Thiên Huế) làm việc, trao đổi đều qua không gian mạng. Mỗi tuần sẽ dành một ngày thảo luận trên Google Meet đề tài dự thi Mô hình trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phát hiện sớm tự kỷ. Ngay cả phần thi hùng biện, màn hỏi đáp với đội đối thủ và ban giám khảo, chúng tôi cũng được quyền bàn bạc với nhau trong nhóm riêng rồi cử đại diện trả lời. Tôi cảm giác như đang tương tác trực tiếp trong cuộc thi chứ không phải trước màn hình máy tính”, Thu Nguyệt nói.

Cơ hội từ chuyển đổi số

Covid-19 tác động lên mọi mặt của đời sống, trong đó có hoạt động giáo dục. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nằng cho biết, Covid-19 khiến nhà trường không chủ động được nhiều hoạt động, nhưng cũng từ đó trường phải có giải pháp để thích nghi. “Chúng tôi buộc thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả mọi hoạt động của nhà trường. Từng bước xây dựng kho học liệu mở, tài nguyên; rồi các hội nghị, hội thảo hợp tác quốc tế, dự án quốc tế về chuyển đổi số…”, PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng trải qua gần hai năm thích ứng với dạy và học cũng như các hoạt động quản trị giáo dục, đối ngoại… Theo PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, từ đầu năm 2020, nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng các nền tảng số, tập trung phát triển hệ thống e-learning theo chuẩn quốc tế.

Đây là nền tảng để nhà trường chủ động, nhanh chóng triển khai các giải pháp đào tạo trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Nhà trường đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu học tập mọi nơi, mọi lúc thông qua hệ thống phòng đa chức năng phục vụ các hoạt động quản trị và giảng dạy trong trường như: họp trực tuyến, cầu truyền hình, giảng trực tuyến...

“Chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn cho nhà trường thực hiện sứ mệnh và triết lý giáo dục phát triển thành trường đại học định hướng nghiên cứu, tạo dựng môi trường học thuật tiên tiến theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học”, PGS.TS. Lê Văn Huy nói.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 70% cơ sở giáo dục đại học triển khai hệ thống thư viện điện tử và hệ thống học tập e-learning liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học khác nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu.

Tuy nhiên, chất lượng có bảo đảm hay không phụ thuộc vào hạ tầng mạng và thiết bị công nghệ. Về điều này, PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết, từ thực tế của nhà trường, nhờ thực hiện lộ trình chuyển đổi số, chủ động và tích cực ứng dụng công nghệ trong đào tạo nên đã hình thành sẵn hạ tầng kỹ thuật tiên tiến.

Nhưng chính năng lực ứng dụng công nghệ của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường mới là yếu tố mang lại hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số. Minh chứng là cán bộ, giảng viên và sinh viên vào cuộc rất nhanh để ứng phó với điều kiện mới, tổ chức thành công từ dạy học trực tuyến đến các kỳ thi, khảo thí ngoại ngữ trực tuyến, hội thảo trực tuyến…

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học không chỉ là giải pháp đáp ứng sự thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh, mà đó còn là chiến lược của nhà trường trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tính cạnh tranh”, PGS.TS Trần Hữu Phúc phân tích.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.