Trung tâm ngoại ngữ gặp khó

.

Covid-19 kéo dài, nhiều trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố gặp khó khăn, một số chấm dứt hoạt động, một số khác chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến để giữ chân học viên.

Trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VMG - Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh) tạm dừng hoạt động. Ảnh: NGỌC HÀ
Trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VMG - Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh) tạm dừng hoạt động. Ảnh: NGỌC HÀ

Giải thể, tạm dừng hoạt động

Sau gần 20 năm hoạt động, tháng 8 vừa qua, Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VMG - Đà Nẵng (trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh) thông báo tạm dừng hoạt động. Trong thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc trung tâm đề cập những khó khăn: “Covid-19 kéo dài gần 2 năm và chưa dừng lại. Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ là đơn vị giáo dục - lĩnh vực phải đóng cửa đầu tiên và mở cửa lại sau cùng mỗi khi dịch bệnh bùng phát. 2 năm qua, dịch bệnh làm chúng tôi không thể gượng dậy, chúng tôi buộc lòng phải đóng cửa khi không còn lựa chọn này khác”. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, khi nghe trung tâm đóng cửa, nhiều phụ huynh cảm thấy rất tiếc bởi con đã theo học ở trung tâm thời gian dài. Thế nhưng đây là khó khăn chung mà mỗi người phải chấp nhận.

Không chỉ Trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VMG, dạo một vòng các tuyến đường vốn có nhiều trung tâm ngoại ngữ như Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh…, một số địa điểm đã thay bảng hiệu kinh doanh mới hoặc đăng cho thuê nhà. Trong tháng 8 và tháng 9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố ký quyết định giải thể hai trung tâm ngoại ngữ. Cụ thể, giải thể Trung tâm Anh ngữ - Tin học ISEC (có địa chỉ hoạt động tại số 50 Hàm Nghi, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) do sau thời hạn 2 tháng tạm đình chỉ, trung tâm này không thực hiện các thủ tục xin hoạt động trở lại, không bảo đảm các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục trở lại theo quy định tại Thông tư Số 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, theo đề nghị Công ty CP Đầu tư JP Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD&ĐT ký quyết định giải thể Trung tâm ngoại ngữ JTRAIN (địa chỉ 51K Nguyễn Chí Thanh, phường Thạch Thang, quận Hải Châu thuộc Công ty JP) với lý do Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm. Trước đó, Công ty CP Đầu tư JP Đà Nẵng thực hiện quyết định đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ tháng 4-2021.

Tìm cách xoay sở

Trong khi đó, để ứng phó với Covid-19, một số trung tâm ngoại ngữ khác chuyển sang dạy học bằng hình thức trực tuyến. Cuối tháng 5, Trung tâm ngoại ngữ Fisher’s Superkids Academy (FSA, 74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) gửi thông báo đến phụ huynh, học viên về việc tổ chức lớp học trực tuyến trên tinh thần tự nguyện. Theo trung tâm, học trực tuyến nhằm giúp học viên không bị gián đoạn, tạo thói quen tự học, trao dồi kỹ năng tương tác với giáo viên nước ngoài và bạn bè. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp trung tâm tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính, bảo đảm duy trì và vận hành hệ thống, chi phí cho giáo viên, nhân viên...

Chị Nguyễn Thu Trang (trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), có con học tại trung tâm này cho rằng, đây là cách làm hợp lý và chị hoàn toàn ủng hộ. “Đến thời điểm này, con tôi trải qua 5 tháng học trực tuyến. Mỗi lớp chỉ từ 4 đến 9 học sinh. Kinh phí lớp học trực tuyến cũng khá thấp so với học trực tiếp, 500.000 đồng/tháng, thanh toán từng tháng hoặc sau khi kết thúc khóa học. Đây là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, chị Trang chia sẻ.

Tương tự, Trung tâm Anh Ngữ PoPoDoo Đà Nẵng (đường Chi Lăng, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cũng tổ chức dạy học trực tuyến cho học viên, đồng thời phát động chiến dịch “The more you read, the better you learn” nhằm phát triển văn hóa đọc và tăng cường khả năng ngoại ngữ của học viên. Theo đó, mỗi học viên lựa chọn một cuốn truyện tiếng Anh (có kèm tranh), sau đó các em giới thiệu bản thân, cuốn truyện sẽ đọc, đóng vai tất cả nhân vật trong truyện và đọc diễn cảm cuốn truyện đó. Học sinh có thể cảm thán, minh họa một vài câu nói, hoặc mô tả những bức tranh trong quá trình đọc để câu chuyện hấp dẫn, sinh động hơn. Sau khi đọc xong, học sinh rút ra bài học, ý nghĩa của cuốn truyện một cách ngắn gọn.

Qua tìm hiểu, chị Ngô Thị Hiền Thư (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) ấn tượng với hoạt động khơi gợi văn hóa đọc của trung tâm anh ngữ PoPoDoo. Theo chị Thư, ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi nhà là điều ai cũng nhận thấy nhưng quan trọng là sử dụng quỹ thời gian rảnh rỗi trong mùa dịch như thế nào cho ý nghĩa. “Các lớp học tiếng Anh trực tuyến hay hoạt động bên lề của trung tâm tiếng Anh giúp con tôi có thời gian bổ ích. Trong giai đoạn khó khăn này, các trung tâm anh ngữ phải triển khai nhiều giải pháp khác nhau để duy trì hoạt động và tôi tin rằng, trung tâm nào làm tốt sẽ được biết đến nhiều hơn vào thời gian tới”, chị Thư bày tỏ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích