Số lượng giáo viên, học sinh rơi vào trường hợp F0, F1 gia tăng sau tuần đầu thành phố mở cửa tất cả các bậc học. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường lên kế hoạch xử lý khi phát hiện F0 trong trường học và linh hoạt dạy học tùy tình huống thực tế.
Giáo viên Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) hướng dẫn học sinh về phòng, chống dịch trong ngày đầu trở lại trường. (Ảnh chụp ngày 21-2). Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến ngày 22-2, có 6.805 học sinh và 3.194 giáo viên đang điều trị F0. Con số F0, F1 là giáo viên, học sinh ngày càng gia tăng, có nguồn lây từ gia đình, cộng đồng và cả trong trường học. Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm chương trình học, ngay khi Bộ Y tế ban hành công văn về công tác phòng, chống Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp ngày 21-2, các trường học trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch xử trí F0 trong trường học.
Cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhà trường xây dựng quy trình xử trí F0 với hai tình huống: phát hiện F0 trong trường học và phát hiện học sinh bị F0 tại nhà. Với tình huống phát hiện F0 trong trường học, nhà trường thực hiện 4 bước theo hướng dẫn, trong đó chú trọng đến xác định chính xác F1, cho học sinh không là F1 chuyển qua phòng học dự phòng, sát khuẩn toàn bộ lớp học có F0 và tổ chức học bình thường.
“Sau khi tách F0, F1, lớp đó vẫn học bình thường. Học sinh F0, F1 chuyển vào lớp học trực tuyến; một số phụ huynh lớp F0 không yên tâm và cho con ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn có tỷ lệ học sinh học trực tiếp 70%”, cô Bắc chia sẻ.
Ghi nhận tại các trường cho thấy, nhà trường linh hoạt bố trí dạy học trực tiếp hay trực tuyến tùy thuộc vào số lượng F0, F1. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình chung của chống dịch hiện nay, không phải chỉ một học sinh F0 là co cụm về dạy trực tuyến mà phải theo dõi, nắm bắt số lượng học sinh F1. Nếu như số lượng F1 chiếm tầm nửa lớp, gây lo lắng cho phụ huynh, nhà trường mới chuyển về học trực tuyến. Nếu như dưới số lượng này, nhà trường vẫn tổ chức học trực tiếp bình thường.
Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) hiện có khoảng 42 học sinh và 8 giáo viên nhiễm Covid-19 và nhiều F1. Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tất cả các trường hợp F0, F1 phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Học sinh F0, F1 học trực tuyến; nhà trường trang bị 8 phòng học có camera để vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa dạy trực tuyến cho học sinh ở nhà. Nếu trường hợp lớp học có nhiều F0 và F1, chuyển hẳn sang dạy trực tuyến.
Tương tự, cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) chia sẻ, chỉ cần 1-2 trường hợp F0/lớp, nhà trường chuyển sang học trực tuyến. Lý giải điều này, cô Lan cho rằng, học sinh bậc tiểu học còn nhỏ, lại chưa được tiêm vắc-xin nên để bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như sự yên tâm cho phụ huynh, chuyển cả lớp về học trực tuyến là hợp lý. “Nếu như buổi học đầu tiên, nhà trường có tỷ lệ học sinh học trực tiếp 80%, những ngày sau con số này còn khoảng 60%. Số F0, F1 liên tục gia tăng, phát hiện ở nhà nhiều hơn tại lớp học, hiện nhà trường có 10 lớp chuyển sang học trực tuyến”, cô Lan thông tin.
Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) cũng đồng quan điểm cần linh hoạt trong xử trí F0. Bên cạnh hướng dẫn của Bộ Y tế, sổ tay phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ chuyển lớp có F0 về học trực tuyến nếu số lượng F1 nhiều.
“Mới đây, sau khi đi học về, một học sinh có triệu chứng sốt, phụ huynh test nhanh thấy dương tính. Sau khi truy vết ngược trên lớp, học sinh này có ra khỏi chỗ ngồi giờ giải lao và có tiếp xúc nhiều bạn trong lớp. Mặc dù có đeo khẩu trang, nhưng trong không gian phòng học thời tiết lạnh, kín, nên để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhà trường chuyển trạng thái lớp học này sang trực tuyến”, cô Chinh cho biết.
Về xử trí khi phát hiện F0 trong trường học, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sẽ thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và sổ tay phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ GD&ĐT. “Chủ trương là vậy, sở sẽ có văn bản triển khai đến các đơn vị thực hiện và có những hướng dẫn riêng tùy vào tình huống thực tế mỗi đơn vị”, ông Linh nói.
NGỌC HÀ