Phụ huynh phấn khởi khi học sinh được học trực tiếp

.

Theo dự kiến, từ ngày 14-2, học sinh lớp 6 bậc THCS và từ ngày 21-2, học sinh tiểu học và mầm non đồng loạt trở lại trường học trực tiếp. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi và kỳ vọng nhà trường chuẩn bị kỹ các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh.

bdn
Học sinh tiểu học trải qua hơn 1 học kỳ học trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà) đến trường học trực tiếp được 1 tuần vào cuối năm 2021. Ảnh: NGỌC HÀ

Vui vì con được đi học

Ngay khi thành phố có chủ trương cho học sinh tất cả các bậc học còn lại trở lại trường học trực tiếp, nhiều phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi. Anh Nguyễn Trọng Ân, trú phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), có con học tại Trường THCS Lê Lợi chia sẻ, khi có thông tin, buổi cơm tối hôm ấy của gia đình xoay quanh câu chuyện đi học của cô con gái út lớp 6.

“Khi đứa lớn học cấp 3 trở lại trường vào cuối tháng 11 năm ngoái, đứa nhỏ bắt đầu thấy buồn. Hơn nữa, lớp 6 năm nay các cháu học chương trình giáo dục phổ thông mới mà cả học kỳ 1 học trực tuyến hiệu quả không cao. Mặc dù gia đình có động viên, khuyến khích con tạo nhóm zalo nói chuyện, trao đổi bài vở với bạn bè cho đỡ buồn chán nhưng cháu nói gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp vẫn vui hơn”, anh Ân nói.

Chị Mai Như Nguyệt, trú phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), có con học tại Trường Tiểu học Ngô Mây cho biết: “Tôi trông từng ngày để con được đến trường. Công việc bận rộn cả ngày nên hai anh em tự chăm nhau. Đứa lớn lớp 7 vừa trở lại trường nên đứa nhỏ lớp 3 tự học một mình ở nhà. Đi làm mà tôi không yên tâm cứ lâu lâu lại mở camera quan sát. Nay có thông tin đi học, cả mẹ, cả con đều vui”.

Theo nhiều ý kiến, sự cẩn trọng là cần thiết khi dịch bệnh phức tạp, nhưng đến nay mọi thứ trong vòng kiểm soát nên cho trẻ con đến trường. “Chủ trương đã có, tôi mong muốn đừng có bất kỳ thay đổi nào nữa. Hãy để trẻ đến trường, trẻ em cần phát triển cả kiến thức, kỹ năng, giao tiếp xã hội”, chị Nguyễn Thị Mỵ, trú phường Thạch Thang (quận Hải Châu), có con học Trường Tiểu học Phan Thanh bày tỏ.

Xây dựng phương án cụ thể

Từ ngày 14-2, học sinh khối 6 đi học trực tiếp trở lại. Như vậy, phòng học tại các trường THCS đều được lấp đầy. Để bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, thích nghi, linh hoạt và an toàn, triển khai công tác dạy học trực tiếp theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, các trường đều có phương án cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng xử lý khi xuất hiện trường hợp F0.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho hay, nhà trường đã xây dựng phương án xử lý khi xuất hiện trường hợp F0 và đã thực hiện trong thời gian qua. Đó là lớp học nào xuất hiện F0, nhà trường chủ động thông báo đến giáo viên, phụ huynh và học sinh; chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến nhưng vẫn bảo đảm khung chương trình chung.

Đồng thời, yêu cầu phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh tại nhà, luôn thực hiện 5K và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, nếu có triệu chứng báo ngay cơ quan y tế địa phương. Sau 7 ngày theo quy định, nhà trường sẽ xây dựng phương án và đón các em học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Đối với học sinh tiểu học và mầm non, trong ngày 9-2, các trường tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh về việc “đồng ý” hay “không đồng ý” cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Thầy Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê) cho biết, song song với khảo sát ý kiến, giáo viên chủ nhiệm các lớp động viên tinh thần phụ huynh thông qua truyền tải công tác phòng, chống dịch của nhà trường.

Cũng theo thầy Phước, hiện nay toàn trường có 1.200 học sinh với tổng cộng 32 lớp. Trong thời gian đi học trực tiếp, nhà trường chưa tổ chức bán trú nên sẽ tính đến phương án chia làm hai buổi học, buổi sáng các khối lớp nhỏ, buổi chiều các khối lớp lớn; học sinh giải lao, ra chơi tại chỗ... “Trong điều kiện không thể học trực tiếp mới học trực tuyến. Học trực tuyến mà học sinh tiếp thu được 7 đến 8 phần đã là thành công nhưng qua quan sát, tôi thấy rất khó. Nếu như chúng ta có điều kiện học trực tiếp, việc tổ chức dạy học của thầy cô giáo, sự giao tiếp của học sinh với giáo viên, học sinh với học sinh sẽ thuận lợi hơn nhiều. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường, tôi nghĩ các ngành chức năng đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho học sinh độ tuổi 5-11 tuổi; hỗ trợ kinh phí test nhanh Covid-19 cho giáo viên, cán bộ, nhân viên các trường trước khi trở lại dạy học”, thầy Phước nêu ý kiến.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) cũng cho biết, dù kết quả khảo sát tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đến trường có ít hơn dự kiến vẫn phải mở cửa trường học. “Dù mỗi lớp có 5-7 cháu đi nữa, chúng tôi vẫn mong muốn được dạy. Với đặc thù bậc mầm non, bảo đảm an toàn cho trẻ luôn được đặt lên hàng đầu. Trong tình hình dịch bệnh, ý thức của người quản lý, giáo viên càng được nâng cao. Vì vậy, phụ huynh yên tâm cho trẻ đi học”, cô Trâm nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.