Ngày 11-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2021-2022, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, 2 và 6 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất phục vụ, trang thiết bị dạy học; lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn, in ấn tài liệu giáo dục địa phương...
Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở GD&ĐT có tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.
Liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, cố gắng bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng tham khảo nhiều sách.
Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ đó có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… để bảo đảm có giáo viên dạy các môn học trong chương trình mới.
Với cơ sở vật chất, địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, bộ giao các đơn vị chuyên môn tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên khung giá thiết bị trong danh mục quy định.
NGỌC HÀ