Dự án Làng Đại học Đà Nẵng: Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc

Bài 2: Vẫn còn nhiều khó khăn trong giải tỏa, đền bù

.

Dự án Làng Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã có những chuyển động tích cực nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bố trí vốn chậm, trong đó phần đất cần GPMB phía tỉnh Quảng Nam (khoảng 190ha) đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đường đất dẫn vào khu dân cư tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với hàng chục ngôi nhà không phép. Ảnh: LÊ PHẠM
Đường đất dẫn vào khu dân cư tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với hàng chục ngôi nhà không phép. Ảnh: LÊ PHẠM

Dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) dẫn vào dự án Làng ĐH Đà Nẵng, công trình tòa nhà làm việc của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật khang trang, hiện đại sắp sửa hoàn thiện nhưng vẫn không khỏa lấp được vẻ hoang vu, nhếch nhác của những ngôi nhà tạm cũ kỹ, xuống cấp trong khu vực này.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà chắp vá nhiều chỗ, ông N.V.L (56 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ông lấy vợ rồi xây nhà tại khu vực này từ tuổi đôi mươi. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời, ông L. muốn cơi nới, sửa sang nhà cửa cho rộng rãi hơn thì khu vực sinh sống nằm trong diện giải tỏa nên mọi thứ đành gác lại. Chỉ tay sang ngôi nhà cấp 4 bên cạnh, ông L. cho biết đó là chỗ ở của gia đình người con lớn.

Phía sau nhà, ông L. cũng dựng tạm mấy phòng trọ cho sinh viên thuê nhưng theo ông luôn trong tình trạng trống không vì điều kiện sống không bảo đảm, nhất là vào mùa mưa. “Năm ngoái nhà tôi được kiểm định rồi, bây giờ chỉ chờ bố trí tái định cư thôi. Người dân khu vực này ngày nào cũng mong giải tỏa nhanh để ổn định cuộc sống. Như tôi đây đã quá nửa đời người, con rồi cháu lần lượt lớn lên mà vẫn chưa có ngôi nhà đúng nghĩa, sống cảnh nhếch nhác, khổ sở lâu lắm rồi”, ông L. tâm sự.

Nếu như khu vực dân cư phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đang trong tâm thế sẵn sàng di dời khi được bố trí tái định cư, một bộ phận dân cư cách đó vài mét thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn sống “bình chân như vại” trên đất dự án và tình trạng mua bán nhà tại đây khá sôi động.

Lối dẫn vào nhà ông P.V.N (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là con đường đất gập ghềnh nhưng ông bảo khá hơn trước nhiều, sau khi người dân sống trong khu vực này tự tu bổ. Từ miếng đất mẹ vợ cho, ông N. xây ngôi nhà cấp 4 vào năm 2008.

Đây là đất không có sổ và nằm trong khu dự án nên nhiều năm qua, khi nhà xuống cấp, gia đình ông N. phải “lén” sửa chữa. Khi chúng tôi hỏi có biết đây là đất thuộc khu vực giải tỏa thuộc dự án Làng ĐH Đà Nẵng không, ông N. bảo: “Nghe giải tỏa mấy chục năm nay rồi mà có thấy đâu. Mấy trăm hộ họ ở đầy đây, có sao đâu. Nhiều người còn đến đây mua ở, buôn bán nhà đất sôi động lắm”.

Theo giới thiệu của ông N., chúng tôi đến nhà anh N.V.C trú cùng phường, mới vừa mua cách đây gần hai tháng, có diện tích 120m2. Cách nhà anh C. mấy căn, cũng là ngôi nhà mới vừa lợp tôn tạm bợ mọc lên trên mảnh đất vừa được sang tay. “Mua xong, tôi kêu người sửa lại cũng hơn 100 triệu đồng. Với số tiền hơn 500 triệu đồng mà có nhà cửa rộng rãi vậy dễ chi kiếm được ở sát ngay thành phố. Trong khu vực giải tỏa mới có giá này. Giờ chính quyền chưa nói chi cả nên chúng tôi vẫn ở thôi”, anh C. chia sẻ.

Thấy chúng tôi tìm hiểu về đất đai, một nhóm cò đất tại khu vực này nhanh chóng tiếp cận và đưa ra nhiều loại giá khác nhau. “Nhiều người mua ở cũng có, mua đầu tư cũng có. Anh chị mua rồi gửi lại đây em ra hàng giúp cho. Trong vòng 1-2 tháng bảo đảm lời”, một cò đất nói.

Bà V.T.H (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, gia đình bà ở đây từ nhiều đời, hiện nay con cháu đều đi nơi khác ở, mỗi bà và chị gái vẫn sống trên mảnh đất tổ tiên để lại. Cũng như gia đình bà, những nhà có sổ, họ hầu như không bán vì chờ được bố trí tái định cư; việc buôn bán chỉ diễn ra hầu hết ở nhà, đất không có sổ, xây dựng trái phép. “Tôi không hiểu sao biết là đất khu vực giải tỏa mà người ta vẫn mua ở, chắc do tâm lý nghĩ còn lâu mới di dời. Chúng tôi mong muốn nhanh chóng giải tỏa, đền bù để người dân còn biết tính toán cuộc sống của mình”, bà H. nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), hiện có khoảng 3.600 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực dự án Làng ĐH Đà Nẵng, nhưng đăng ký tạm trú, tạm vắng, có quản lý nhân hộ khẩu chiếm con số rất nhỏ, dưới 40%. Đây cũng là vấn đề gây khó khăn cho việc quản lý trên địa bàn về hành chính, trật tự an toàn xã hội.

“Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Điện Bàn tập trung làm tốt công tác quản lý hiện trạng và triển khai các hạng mục theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay, qua thời gian hơn 20 năm, về phía Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng chưa đầu tư hạng mục nào mặc dù đã có quy hoạch. Đây là dự án treo lâu nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam kể từ năm 1997 (25 năm), chính quyền và nhân dân địa phương rất bức xúc, càng để lâu càng không thể thực hiện được”, ông Nguyễn Xuân Hà nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, dự án Làng ĐH Đà Nẵng có quy mô và tổng vốn đầu tư rất lớn, trong đó nhu cầu vốn bồi thường, GPMB cho diện tích quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 2.000 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư).

Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sử dụng ngân sách của địa phương và thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chủ trương thống nhất về phương án bố trí tái định cư của tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, qua làm việc với ĐH Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy dự án chỉ có khả năng thực hiện trên phần đất của thành phố Đà Nẵng. Phần quy hoạch trên đất tỉnh Quảng Nam tập trung rất đông dân cư, không thể đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong khi từ nay đến năm 2030 chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 (khái toán của ĐH Đà Nẵng theo giá hiện nay khoảng 2.023 tỷ đồng/170ha, chưa bao gồm kinh phí xây dựng các khu tái định cư và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung). Nếu không bố trí được vốn, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch để chỉ thực hiện hoàn chỉnh dự án trên phần đất của thành phố Đà Nẵng.

LÊ PHẠM

;
;
.
.
.
.
.