Các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học năm học 2021-2022. Trong đó, giáo viên, nhà trường đóng vai trò định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh; quyền quyết định thuộc về phụ huynh và học sinh.
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong buổi học thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho hay, một số học sinh của trường điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhất là con em đồng bào Cơ tu. Do đó, trong các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, nhà trường còn phối hợp với các trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh. “Qua nắm bắt, một số em đã quyết định chọn học nghề phù hợp với sở thích và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, mong muốn kiếm được việc làm để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, con số này không nhiều”, thầy Vũ nói.
Tương tự, thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết, nhà trường luôn chú trọng lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào các hoạt động, đồng thời thường xuyên trao đổi với phụ huynh về học lực của con em để họ có những tác động, định hướng phù hợp. Theo thầy Đạt, qua theo dõi, một số học sinh nhà trường đã quyết định chọn các trường nghề với các ngành thu hút nguồn nhân lực khá lớn hiện nay như: du lịch, sửa chữa ô-tô, cơ khí… “Việc chọn học nghề là xuất phát từ nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, không có sự ép buộc nào cả”, thầy Đạt thông tin.
Chia sẻ về chương trình hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết, những năm qua, thành phố Ðà Nẵng đã có nhiều chính sách chăm lo giáo dục hướng nghiệp và phân luồng. Trong đó, đáng chú ý là Kế hoạch số 7048/KH-UBND ngày 17-10-2019 của UBND thành phố về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019-2025. Toàn thành phố phấn đến năm 2025, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp; đồng thời, ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật.
Hằng năm, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học đều có kế hoạch từ UBND thành phố, Sở GD&ĐT triển khai đến các Phòng GD&ĐT và các trường; trên cơ sở đó, các đơn vị trường học sẽ tư vấn cho học sinh. Đối với bậc THCS, khi kết thúc chương trình lớp 9, các em có quyền tham gia học ở các cơ sở giáo dục nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề phù hợp với năng lực, trình độ. Ngoài ra, các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng dạy tích hợp văn hóa và lồng ghép các chương trình giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện của học sinh.
“Sở GD&ĐT đã quán triệt các trường thực hiện theo các văn bản hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Nhà trường, giáo viên chỉ tư vấn cho các học sinh; việc chọn lựa là quyết định thuộc về học sinh và phụ huynh. Nhà trường, giáo viên không được phép tác động hay gây ảnh hưởng đến quyền được học và quyền được thi của các em. Theo quy định của ngành giáo dục thì không có yêu cầu học sinh yếu kém không thi lớp 10. Tất cả các em có quyền được học và dự thi lớp 10”, ông Mai Tấn Linh khẳng định.
Ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cũng nhìn nhận, công tác phối hợp giữa nhà trường và các trường THCS, THPT trong công tác hướng nghiệp đang có sự cải thiện đáng kể. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố trải nghiệm tìm hiểu các ngành nghề đang được đào tạo tại trường, song song đó, phối hợp với các trường tư vấn cho học sinh. “Theo thống kê của chúng tôi, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh THCS, THPT học nghề tại trường có tăng nhẹ, bậc THCS tăng 10%, THPT tăng 20-30%.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn hạn chế so với kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019-2025 của UBND thành phố. Tôi cho rằng, nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của học nghề sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Bởi thực tế cho thấy, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm, phải đi làm công nhân hoặc bắt đầu quay lại học nghề.
Trong khi đó, nhiều sinh viên học nghề lại thuận tiện kiếm việc làm, thậm chí doanh nghiệp đã đặt hàng ngay từ khi các em còn chưa tốt nghiệp. Cần làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng để học sinh chọn học nghề phù hợp với sở thích, nguyện vọng từ bậc THCS, THPT”, ông Hà phân tích.
NGỌC HÀ