Năm học mới 2022 - 2023 cận kề, ngành giáo dục thành phố đã và đang nỗ lực để chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới như: rà soát cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đồ dùng dạy - học, mua sắm sách giáo khoa...
Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để đón học sinh trong năm học mới 2022-2023. Ảnh: NGỌC HÀ |
Rà soát cơ sở vật chất
Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố rà soát lại cơ sở vật chất để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đón học sinh trở lại trường, nhất là bậc tiểu học, gấp rút hoàn thiện các điều kiện phục vụ bán trú.
Theo ghi nhận, sau 2 năm không tổ chức bán trú do thời gian học sinh đi học trực tiếp tại trường rất ngắn và thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, cơ sở vật chất tại các trường đã xuống cấp, hư hỏng. Cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) cho hay, sau 2 năm không sử dụng, số vật dụng phục vụ bán trú như soong nồi, vật dụng cá nhân của học sinh như tô, thìa, khăn ăn… đã hư hỏng.
Hiện nhà trường kiểm kê, thanh lý các đồ dùng không còn sử dụng được và mua sắm mới thay thế; lập dự toán về việc thu chi tiền ăn, tiền phục vụ chờ cuộc họp phụ huynh đầu năm lấy ý kiến; đồng thời trên cơ sở phân chia lớp, giao giáo viên chủ nhiệm khảo sát đăng ký bán trú để tuyển cấp dưỡng, quản sinh. Tương tự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu) Trần Thị Nhàn cho biết, các đồ dùng phục vụ bán trú được nhà trường sớm rà soát lại để kịp thời mua sắm bổ sung. Tuy nhiên, phải sau khi khai giảng thì mới có thể tiến hành mua sắm được.
Để gấp rút chuẩn bị cho năm học mới, phòng giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) các quận, huyện chỉ đạo sát sao các trường trong rà soát cơ sở vật chất. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường học rà soát các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày và các điều kiện tổ chức lớp học bán trú; xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày và bán trú năm học 2022-2023. Đồng thời, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ đầu năm học; phối hợp với cha mẹ học sinh để thỏa thuận các khoản thu bán trú; trang bị đầy đủ đồ dùng phục vụ bán trú.
“Các trường mầm non, tiểu học và THCS đã triển khai thực hiện tốt theo hướng dẫn việc mua sắm, sửa chữa từ nguồn sự nghiệp giáo dục và các nguồn khác năm 2022 (do các trường điều hành thực hiện) với tổng giá trị hơn 7,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường mầm non: Mẫu Đơn, Tường Vy, Tuổi Hoa và Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (cơ sở 2) được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư xây mới với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng và dự kiến nghiệm thu đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2022-2023”, bà Hương thông tin thêm.
Tại huyện Hòa Vang, ngoài các công trình huyện đầu tư đang tiến hành hoàn thành, bàn giao thì các trường đã chủ động sửa chữa nhỏ từ nguồn tự chủ đã được phân bổ. Trang thiết bị dạy học các trường bảo đảm để triển khai hoạt động dạy học ngay từ đầu năm học mới; bậc tiểu học đủ phòng để học 2 buổi/ngày…
Các trường đang tập trung rà soát để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Bảo đảm quyền lợi cho học sinh
Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, ngành giáo dục tập trung chuẩn bị các trang thiết bị dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 theo quy định của Bộ GD&ĐT; Nghị quyết của HĐND thành phố về hỗ trợ mua sách giáo khoa cho học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do Covid-19, học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho hay, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong học sinh và triển khai Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố về hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022-2023. Đồng thời, trên cơ sở phân bổ của Sở GD&ĐT, phòng đã rà soát, cung cấp danh sách học sinh đủ điều kiện được nhận sách giáo khoa.
Tại quận Liên Chiểu, số học sinh là con em công nhân, người lao động phổ thông trên địa bàn rất lớn, chiếm khoảng 40-45% ở bậc tiểu học và THCS. Do đó, ngoài việc được nhận sách giáo khoa từ nguồn phân bổ của Sở GD&ĐT, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ sách giáo khoa, đồng phục... từ các chương trình tiếp sức đến trường của các cấp chính quyền, hội đoàn thể, khu dân cư, mạnh thường quân... “Điều này góp phần giảm bớt gánh nặng cho người lao động và công nhân, giúp cho phụ huynh tháo gỡ được khó khăn trước thềm năm học mới”, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho hay.
Sở GD&ĐT cho hay, ngay khi vừa kết thúc năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Theo đó, chỉ đạo các phòng GD&ĐT quận, huyện, các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch dạy và học năm học 2022-2023, đặc biệt là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, 7 và 10.
Đối với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 trước khi bước vào năm học mới, ngày 17-8, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai các nội dung liên quan đến tiêm vắc-xin cho học sinh, học viên trước năm học mới. Theo đó, sở yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến phụ huynh, người giám hộ về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, học viên theo tài liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cung cấp nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ đưa con em đi tiêm chủng với phương châm “Tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”.
NGỌC HÀ