Nỗ lực duy trì 100% học sinh tiểu học học hai buổi/ngày

.

Đầu năm học 2022-2023, một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố không giữ được tỷ lệ 100% học sinh học đủ hai buổi/ngày. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường đã nỗ lực tìm các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và ổn định công tác dạy và học.

Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện để tìm giải pháp bảo đảm 100% học sinh tiểu học học hai buổi/ngày. Trong ảnh: Học sinh tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện để tìm giải pháp bảo đảm 100% học sinh tiểu học học hai buổi/ngày. TRONG ẢNH: Học sinh tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) có tổng số 1.624 học sinh, 44 lớp. Học sinh lớp 1, 2, 3 học 9 buổi/tuần (trừ chiều thứ Sáu) và học sinh lớp 4, 5 học 6 buổi/tuần.

Cô Phạm Huyền Bội Giao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thị Bôi cho biết, do trên địa bàn phường chỉ có 1 trường tiểu học, nên áp lực về số lượng học sinh tăng, trong khi cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng kịp.

Nhiều năm qua, nhà trường vẫn khắc phục để bảo đảm dạy học, nhưng đây là năm đầu tiên phải dạy 9 buổi/tuần cho học sinh từ lớp 1-3. Nhà trường đang tính toán đề xuất và lấy ý kiến phụ huynh xã hội hóa dạy năng khiếu cho học sinh vào chiều thứ Sáu.

“Nhiều phụ huynh ngoại tỉnh không có người nhà trông nom, đón các em vì vẫn phải đi làm chiều thứ Sáu, nếu không được học đủ 10 buổi/tuần thì cũng khó khăn cho phụ huynh. Nhà trường đang nỗ lực để các em lớp 1 đến lớp 3 học đủ 10 buổi/tuần”, cô Giao nói.

Trong khi chờ đợi bổ sung giáo viên tiếng Anh dạy lớp 1, 2 với 2 tiết/tuần, Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) chọn giải pháp trước mắt sử dụng nguồn ngân sách (chi khác) của trường để hợp đồng giáo viên tiếng Anh, đồng thời sử dụng tối đa định mức tiết dạy của giáo viên, nhằm bảo đảm học sinh học đủ số tiết các môn học theo quy định, đáp ứng mong mỏi của phụ huynh học sinh được học đủ 10 buổi/tuần.

Tuy nhiên, theo nhà trường, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì việc sử dụng nguồn chi khác chi cho con người sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của nhà trường. Giải pháp lâu dài là giao bổ sung giáo viên tiếng Anh kịp thời để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo (GD&ĐT) quận Thanh Khê cho hay, đến nay, các trường tiểu học trên địa bàn quận vẫn dạy đủ 10 buổi/tuần. Tỷ lệ giáo viên/lớp trên địa bàn quận Thanh Khê là 1,57, nhưng vẫn có 1 số trường thiếu giáo viên.

Với những trường thiếu giáo viên, nếu còn chỉ tiêu thì phòng chỉ đạo tiếp tục hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu cho phép; các trường hết chỉ tiêu thì sẽ tính chế độ tăng thay cho giáo viên. Riêng tiếng Anh lớp 1, 2, các trường đủ giáo viên thì dạy đủ số tiết, trường nào không đủ giáo viên thì dạy cho học sinh làm quen, tối thiểu 1 tiết/tuần.

Tương tự, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, số người làm việc tại các trường giao đủ 1,5 giáo viên/ lớp thì cơ bản đủ để dạy 10 buổi/tuần. Nguồn giáo viên nếu không tuyển đủ vào biên chế thì các trường chủ động tìm nguồn hợp đồng để bảo đảm khớp số giáo viên đang dạy với số vị trí người làm việc đã giao. Sau này, nếu vượt số tiết (do kiêm nhiệm thêm chức danh, hoặc dạy quá 23 tiết/tuần/giáo viên) thì sẽ tính tăng thay cho giáo viên đó.

“Tính tăng thay cho giáo viên sẽ lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đối với tiếng Anh lớp 1 và lớp 2, cơ bản học sinh cũng được học, nhưng chỉ thiếu một phần vì giáo viên chưa đủ và kinh phí chưa cấp. Một số trường trong chỉ tiêu giao sẽ bớt hợp đồng đi 1 giáo viên văn hóa để hợp đồng 1 giáo viên dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2. Việc bớt đi hợp đồng giáo viên văn hóa không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học vì phân bố giảm đi 1 đến 2 tiết dạy tăng cường buổi chiều, bảo đảm số tiết dạy văn hóa theo quy định”, ông Hoàng nói.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, theo các hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, đối với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (phấn đấu đạt hệ số giáo viên/lớp là 1,5 – không bắt buộc) tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với điều kiện của trường và thời lượng tối đa 7 tiết học/ngày, tối thiểu 7 buổi/tuần. Như vậy, tùy theo điều kiện của từng trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 7 đến 10 buổi/tuần, không quy định phải dạy đủ 10 buổi/tuần.

Căn cứ các quy định trên và tình hình thực tế tại địa phương, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã tổ chức cho các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày với số tiết theo quy định. Tuy nhiên, để có thể tổ chức dạy học đủ 10 buổi/tuần, cần phải huy động sự hỗ trợ xã hội hóa từ phía cha mẹ học sinh, nhất là việc tổ chức dạy làm quen tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Thị Bôi trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Thị Bôi trong giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Đối với Chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần (không quy định 10 buổi/tuần); bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày (từ 9-10 buổi/tuần) và dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình, các trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất (1 phòng học/lớp), đủ giáo viên (bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên).

Ngoài ra, theo Chương trình GDPT 2018, môn tiếng Anh là môn tự chọn đối với lớp 1, 2 và là môn bắt buộc đối với lớp 3, 4, 5. Môn tiếng Anh tự chọn ở lớp 1, lớp 2 được tổ chức khi nhà trường có khả năng đáp ứng, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh có nhu cầu. Chính vì vậy, nếu tổ chức dạy thì không thể huy động sự đóng góp xã hội hóa từ cha mẹ học sinh đối với môn tiếng Anh đối với lớp 1, lớp 2 như Chương trình GDPT 2006.

“Việc tổ chức dạy học 7-10 buổi/tuần đối với lớp 4, lớp 5 (hiện nay chỉ có một số trường thuộc quận Liên Chiểu dạy dưới 9 buổi/tuần) và 9-10 buổi/tuần đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 (các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang hầu hết bảo đảm dạy học 10 buổi/tuần) như hiện nay trên địa bàn thành phố đều đã đạt và vượt yêu cầu số tiết/tuần khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT. Để bảo đảm việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, ngành giáo dục và đào tạo thành phố, các địa phương đã có nhiều linh hoạt trong việc tổ chức dạy học. Sở GD&ĐT đang và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện để tìm ra giải pháp phù hợp nhất”, bà Thuận nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.