Ba nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao”, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022. 

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học chia sẻ về đề án. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học chia sẻ về đề án. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Thông tin này được nêu theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8-6-2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021.

Ba nhiệm vụ trong tâm được dự kiến: Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; Đào tạo lại nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; Thu hút các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan tham gia đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.

Một số giải pháp dự kiến bao gồm đào tạo gắn với nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao; chính sách cho đào tạo nhân lực công nghệ cao như chính sách tài chính hỗ trợ người học, chính sách thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học, chính sách thu hút nguồn lực…

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc xây dựng đề án sẽ kế thừa kinh nghiệm và những bài học thành công trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao; Tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các bên liên quan cho đào tạo các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao; thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học để phát triển một số ngành đào tạo, ưu tiên đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ ngang tầm thế giới.

Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao phải gắn với các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển công nghệ cao của Nhà nước, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo động lực cho tăng trưởng, thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, để đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, đưa ra các nhóm giải pháp tích cực, thống nhất với các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bước đầu xây dựng Đề án xác định, mục tiêu đến năm 2030, phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh số lượng đội ngũ nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên; tạo tác động lan tỏa tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có ngành công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Đề án hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình đào tạo được phát triển và nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống, thích ứng linh hoạt với bối cảnh và nhu cầu trong nước. Các nhóm, lĩnh vực đào tạo tăng hạnh hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế; quy mô tuyển sinh, đào tạo và tốt nghiệp tăng trưởng bền vững, cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực công nghệ cao tại các doanh nghiệp và địa phương.

Nhiều ý kiến đề xuất cơ chế tài trợ, phân bổ kinh phí đào tạo, nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực công nghệ cao. Bên cạnh đó, cho ý kiến về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học trong đào tạo, nghiên cứu các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao cũng như cơ chế, tiêu chí cho các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao…

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.