Bảo đảm nguồn lực cho chương trình Giáo dục phổ thông 2018

.

Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong năm học 2022-2023, các trường THCS trên địa bàn thành phố đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần đổi mới. Tuy nhiên, nhân lực cũng như cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng, gây khó khi áp dụng những phương pháp dạy học tích cực.

Học sinh lớp 7, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) học môn khoa học tự nhiên tại phòng chức năng. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 7, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) học môn khoa học tự nhiên tại phòng chức năng. Ảnh: NGỌC HÀ

Năm học 2022-2023, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) triển khai dạy môn khoa học tự nhiên theo mạch kiến thức của chương trình và do một giáo viên dạy xuyên suốt cả năm học. Theo cô Nguyễn Thị Phương Hội, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Ngô Thì Nhậm, việc phân công giảng dạy này giúp giáo viên theo dõi và đánh giá được chính xác sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập, đặc biệt là giáo viên vừa làm công tác chủ nhiệm vừa dạy môn khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, cô Hội cho rằng, giáo viên gặp khó khăn khi đảm nhận cả 3 môn. Đó là tiếp cận với khối lượng kiến thức mới khổng lồ; ở những chủ đề thuộc chuyên môn cũng đã có những yêu cầu cần đạt mới, chưa nói đến các chủ đề không thuộc chuyên môn. “Điều này bắt buộc giáo viên phải nghiên cứu bài và các kiến thức liên quan rất kỹ thì mới dạy được cho học sinh hiểu bài. Hiện nay, giáo viên phải tự mày mò và học hỏi đồng nghiệp là chính”, cô Hội nói.

Đồng quan điểm, cô Ông Thị Diễm (giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) chia sẻ, vốn được đào tạo dạy Sinh học nhưng năm học 2022-2023 này, cô đảm nhận thêm cả nội dung kiến thức Vật lý và Hóa học ở môn khoa học tự nhiên lớp 6.

“Thực ra, trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, chúng tôi vẫn được học những kiến thức Hóa đại cương, chỉ cần đầu tư thời gian để xem và hệ thống lại mạch kiến thức thì không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng với môn Vật lý, để có thể nắm chắc kiến thức và tự tin trong quá trình dạy học thì buộc phải “học” lại”. Ngoài nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên của chương trình GDPT 2018, tôi còn đọc và so sánh với sách giáo khoa cũ, tự học các chuyên đề Vật lý và giáo trình đại học môn Hóa”, cô Diễm cho biết.

Theo ghi nhận, hiện nay, giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên lớp 6-7 trên địa bàn thành phố vẫn chưa được bồi dưỡng dạy học tích hợp, liên môn. Nhiều ý kiến cho rằng việc bồi dưỡng phải được tiến hành trong dịp hè chứ vào năm học là quá chậm trễ để hỗ trợ giáo viên bắt nhịp với chương trình mới.

“Gần kết thúc học kỳ 1 những các giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên vẫn chưa được bồi dưỡng, hiện phòng giáo dục và đào tạo quận đang tiến hành lấy danh sách giáo viên. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn là sẽ được hỗ trợ ở mức độ nào và chương trình bồi dưỡng có thực sự hiệu quả, cung cấp sát kiến thức để giáo viên dạy học hay chỉ lấy các tín chỉ có sẵn ở chương trình đại học để dạy cho giáo viên?”, một giáo viên bày tỏ.

Không chỉ khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tại các trường học vẫn chưa đáp ứng với chương trình mới. Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) cho biết, đa số giáo viên nhà trường được đào tạo đơn môn nên nhà trường vẫn phân công giáo viên dạy riêng lẻ các phân môn được đào tạo. Nhà trường động viên, khuyến khích giáo viên tận dụng và linh hoạt sử dụng các thiết bị hiện có để giảng dạy; đồng thời tự làm đồ dùng để dạy học nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Tương tự, theo cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê), cơ sở vật chất hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện đồ dùng và các thiết bị theo danh mục đầu tư cho khối lớp 6, 7 chưa có.

Cô Nguyễn Thị Phương Hội chia sẻ: “Môn khoa học tự nhiên là môn khoa học thực nghiệm, đòi hỏi phải có thiết bị dạy học trực quan nhưng hiện nay giáo viên phải tận dụng những thiết bị dạy học của chương trình cũ hoặc sử dụng máy chiếu, video thí nghiệm phụ trợ, trong khi những thiết bị cũ này lại chưa được đầu tư đồng bộ. Điều này rất khó khi áp dụng những phương pháp dạy học tích cực”.

Dự kiến, chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục triển khai với khối lớp 8-9 vào những năm học sắp tới. Do đó, nhiều trường cho rằng cần đầu tư con người và cơ sở vật chất sớm để tránh bị động như thời gian qua.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.