Thay đổi cách nhìn, chuyển đổi nhận thức là những yếu tố quan trọng mà ngành giáo dục, nhà quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện để hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc.
Cô Lê Tôn Phương Dung (Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà) dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: PHAN CHUNG |
* Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương
Để xây dựng ngôi trường hạnh phúc, tiêu chí hàng đầu mà ngành giáo dục hướng đến là phải bảo đảm an toàn cho người dạy và người học. An toàn được hiểu bao gồm cả về thể chất và tinh thần. Đó là trường học có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
“Trường học hạnh phúc” là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè. Đó là những lời động viên, những lời góp ý một cách tích cực thể hiện tình yêu thương của thầy đối với trò, của thầy đối với thầy và của trò đối với trò. Một tiết học hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, chuẩn mực với trí tuệ của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp trong các em học sinh. Hạnh phúc còn là sự ghi nhận qua những kết quả đánh giá chính xác, khách quan, công bằng và cả những lời động viên, khích lệ tinh thần người học.
Tiêu chí thứ hai không thể thiếu để xây dựng “Trường học hạnh phúc” đó là sự tôn trọng. Một lời chào nhau của đồng nghiệp vào buổi sáng, một lời chào cô chào thầy của học trò… giúp cho mỗi chúng ta có thêm năng lượng cho ngày mới. Để làm được điều này, mỗi nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi giúp cho học sinh phát triển và tiến bộ, trường học không áp lực về điểm số, không ganh đua về thành tích. Ở đó, mỗi học sinh đều được thể hiện mình, được thầy cô bạn bè nhìn nhận những điểm mạnh của cá nhân kể cả sự khác biệt, tạo cơ hội thuận lợi để các em mạnh dạn thể hiện những tâm tư, nguyện vọng và luôn lắng nghe khi các em mắc sai lầm, khuyết điểm. Ngoài ra, nhà trường cần tôn trọng tinh thần tự chủ, sáng tạo trong giảng dạy, học tập của thầy và trò; hỗ trợ thầy cô về kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp và môi trường làm việc tích cực, an toàn, giàu tính sư phạm.
Tiêu chí thứ ba là tạo không gian, cảnh quan nhà trường giàu cảm xúc. Bởi điều đó tạo nên sự thư thái, phấn khởi, gợi những xúc cảm đẹp, tiếp thêm năng lượng tích cực để thầy và trò không ngừng cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện, làm cho thầy trò thêm yêu trường lớp, yêu đồng nghiệp, yêu bạn bè. Hành trình xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc không hề đơn giản, dễ dàng mà đó là một hành trình dài, nhiều khó khăn, trở ngại và thậm chí nhiều thử thách. Nhưng tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều trường học hạnh phúc ở các cấp học tại thành phố đáp ứng sự mong đợi của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
* Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu: Hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất
Luôn ấp ủ mong muốn xây dựng ngôi trường nơi mình đang công tác trở thành một ngôi trường hạnh phúc đúng nghĩa cho các em học sinh, hơn ba năm qua, lãnh đạo, giáo viên nhà trường đã thai nghén và năm học 2022-2023 chính thức triển khai Ngày thứ 6 hạnh phúc. Ngày thứ 6 hạnh phúc diễn ra vào tuần cuối cùng của mỗi tháng. Vào ngày đó, học sinh nhà trường được mặc những bộ đồ mình thích đến lớp và không bị áp lực về bài vở, điểm số. Đồng thời, nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh như: trò chơi dân gian, nhảy múa… Để tạo nên diễn đàn chia sẻ với học sinh, đầu mỗi tháng, nhà trường sẽ đưa ra một chủ đề về tình bạn, tình thầy trò, sự tử tế trong cuộc sống và mỗi học sinh thể hiện hoạt động đó theo cách riêng của mình. Đến Ngày thứ 6 hạnh phúc, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh tổng kết việc các em làm trong một tháng qua với chủ đề đó.
Tôi nghĩ rằng xây dựng trường học hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Mới triển khai một tháng, nhưng những chuyển biến của học sinh nhà trường chỉ đơn giản là biết cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi, vui vẻ khi gặp thầy cô, bạn bè; biết giúp đỡ gia đình… cũng gieo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục thực hiện Ngày thứ 6 hạnh phúc. Trường học phải là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau; là nơi các thầy giáo cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người.
* Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê: Trường học phải là nơi giáo viên, học sinh muốn đến
Trước tiên, người làm công tác quản lý phải thay đổi tư duy, nhận thức, hiểu rõ thế nào là “trường học hạnh phúc”. Người đứng đầu phải mạnh dạn thay đổi hành vi như: luôn giữ nụ cười thân thiện với giáo viên, học sinh; không quan liêu, không hách dịch, không kẻ cả… thì giáo viên, học sinh mới gần gũi, tin yêu. Những hành vi này tuy nhỏ nhưng là bước đầu tiên để xây dựng trường học hạnh phúc, là ngôi trường mà giáo viên và học sinh muốn đến, muốn được cống hiến, muốn được học tập.
Người giáo viên hạnh phúc sẽ tạo năng lượng tích cực đầy hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc sẽ giúp não tập trung, tăng thêm đam mê và thôi thúc các em thực hiện hoạt động học sáng tạo, đạt được mục tiêu học tập tốt nhất. Khi đó, mọi người sẽ tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, bạo lực học đường, tiêu cực học đường cũng không tồn tại.
* Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu: Mạnh dạn từ bỏ cái cũ không phù hợp
Tôi luôn tâm niệm rằng, chọn xây dựng môi trường học tập mang tính khác biệt, hướng đến học thật, thi thật, nhân tài thật. Luôn tìm cách lan tỏa, truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Đó có thể là trong ngày đón học sinh lớp 1 đến trường làm quen, với giỏ kẹo trên tay, người thầy tự tay đi phát và làm quen với từng cô cậu học trò nhỏ; hay ngày hội trăng rằm của học sinh, không ngần ngại hóa thân vào vai ông địa hòa mình cùng học sinh; tham gia diễn văn nghệ…
Chọn từ bỏ những cái cũ không còn phù hợp là con đường không dễ, đôi khi vẫn vấp phải ý kiến trái chiều nhưng tôi cố gắng hết sức có thể. Tôi đơn giản thấy điều đó làm cho học sinh của mình vui, gần gũi, có ý nghĩa giáo dục; vì giáo dục một đứa trẻ là quá trình lâu dài kéo dài 5-7 năm mới phần nào hình thành được một phần nhân cách tốt.
* Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân, quận Liên Chiểu: Cần bảo đảm cơ sở vật chất
Năm 1993, tôi chuyển công tác từ Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) về quận Liên Chiểu và gắn bó với ngành giáo dục của địa phương cho đến nay. Suốt 35 năm trong nghề, trải qua nhiều vị trí quản lý ở các trường tiểu học như: Hồng Quang, Trần Bình Trọng, Phan Phu Tiên, Duy Tân…, tôi có sự thấu hiểu, sẻ chia và dành sự quan tâm đến giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn quận vốn nhiều thiệt thòi so với các quận trung tâm.
Có người nói rằng, tôi hay đi kêu về trường lớp. Nhưng quả thật không kêu không được. Tháng 9-2022, tôi về nhận công tác tại Trường Tiểu học Duy Tân, những ngày mưa gió, cô giáo phải xê bàn góc này, góc kia vì mưa dột ướt học sinh. Học tập trong điều kiện trường lớp như thế thì đã không hạnh phúc rồi. Tôi nghĩ, các ngành chức năng cần đầu tư môi trường học tập tốt cho giáo viên, học sinh như trường lớp, sân chơi...; ngành giáo dục giảm thiểu tối đa hồ sơ sổ sách, báo cáo, thống kê, hội họp... để từ đó nhà trường có điều kiện, thời gian dành sự quan tâm nhiều hơn cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh....
NGỌC HÀ thực hiện