Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục

.

Để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua, UBND thành phố đã thông qua phương án phân cấp ở một số lĩnh vực về TTHC.

Việc phân cấp trong giải quyết thủ thục hành chính trong lĩnh vực giáo dục góp phần giảm tầng nấc, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ
Việc phân cấp trong giải quyết thủ thục hành chính trong lĩnh vực giáo dục góp phần giảm tầng nấc, nâng cao chất lượng hoạt động. TRONG ẢNH: Một tiết học của học sinh trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, sở có phương án phân cấp giải quyết TTHC trong phạm vi quản lý thuộc ngành giáo dục ở ở một số lĩnh vực như: kiểm định chất lượng giáo dục, giáo dục trung học, đào tạo với nước ngoài... với 19 TTHC. Trong đó có 7 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện.

Chủ tịch UBND quận, huyện được phân cấp cho trưởng phòng GD&ĐT gồm: phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; TTHC đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã từ UBND cấp huyện về trưởng phòng GD&ĐT; phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp từ chủ tịch UBND cấp huyện về trưởng phòng GD&ĐT.

TTHC thuộc thẩm quyền của trưởng phòng GD&ĐT được phân cấp về hiệu trưởng cơ sở giáo dục gồm phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC (chuyển trường đối với học sinh THCS) từ trưởng phòng GD&ĐT về hiệu trưởng cơ sở giáo dục; phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC (xin học lại tại trường khác đối với học sinh trung học) từ Giám đốc Sở GD&ĐT, trưởng phòng GD&ĐT về hiệu trưởng cơ sở giáo dục. “Sau khi có văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan, Sở GD&ĐT căn cứ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố công khai các TTHC đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật”, ông Trần Nguyễn Minh Thành nói.

Tại huyện Hòa Vang, bình quân mỗi năm có khoảng 150-200 hồ sơ làm thủ tục chuyển trường ở cả trong và ngoài thành phố. Với việc ban hành quyết định giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quận, huyện, phường, xã của Chủ tịch UBND thành phố giúp tăng cường tính chủ động của địa phương, đồng thời tạo thuận lợi cho công dân.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng, trước đây việc giải quyết thủ tục chuyển trường cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn, ách tắc do phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian, làm phiền hà cho công dân, mất thời gian, kể cả tiền bạc. Tuy nhiên, sau khi thành phố có chủ trương và ban hành quyết định phân cấp, hồ sơ chuyển trường ở cấp tiểu học (học sinh trong và ngoài tỉnh) đơn giản và rút gọn hơn nhiều. Theo đó, trao quyền quyết định, giải quyết cho các hiệu trưởng tại các nơi có học sinh đến/đi.

“Trước đây, các thủ tục này buộc phải trình qua cơ quan từ nhà trường nơi có học sinh chuyển đến/đi rồi đến phòng GD&ĐT sở tại xem xét, giải quyết. Nghĩa là phải mất thêm 2 khâu trung gian mới hoàn thành thủ tục, kéo dài thời gian và gây phiền hà cho người dân. Cùng với đó, hằng năm, phòng GD&ĐT huyện đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác năm học mới tại các trường thuộc quyền quản lý, trong đó có cả việc kiểm tra việc giải quyết thủ tục học sinh chuyển đến/chuyển đi nhằm tránh phát sinh các tiêu cực liên quan”, ông Hoàng nói.

Đồng ý với quan điểm trên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu Nguyễn Đức Tú Anh cho rằng, rõ ràng việc phân cấp thẩm quyền giải quyết về cho các quận, huyện, phường, xã giúp thuận lợi và tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho người dân, tăng hiệu quả trong công tác cải cách hành chính ở lĩnh vực giáo dục. Cùng với đó, bên cạnh hiệu quả, thuận lợi trong giải quyết thủ tục cho người dân, các cơ quan được ủy quyền cũng phải nâng cao vai trò và trách nhiệm trong thực thi, đồng nghĩa với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan ủy quyền trong thực thi nhiệm vụ của cấp được ủy quyền để tránh lạm quyền, nhũng nhiều người dân.

Phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) là địa phương có số dân cơ học tăng nhanh. Cũng bởi thế, nhu cầu trường học cho học sinh tăng cao, nhất là khối nhà trẻ, mầm non. Hằng năm, tỷ lệ nhóm trẻ, nhà trẻ thành lập mới tại địa phương này tăng mạnh, khiến cho việc phát sinh giải quyết TTHC liên quan đến cấp phép hoạt động, quản lý tăng lên.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Phan Phú Cương cho biết, hiện toàn phường có 41 nhóm trẻ do phường quản lý. Từ việc ủy quyền giải quyết TTHC của thành phố cho phường đã tạo thuận lợi, linh hoạt, chủ động và nhanh chóng hơn nhiều trong việc giải quyết các vấn đề cấp phép thành lập nhóm trẻ mới, chia tách hay nhập các nhóm trẻ cũ. Trên cơ sở quy định trong quyến định phân cấp, phường có thể tăng cường các giải pháp để giải quyết sớm hạn, đẩy mạnh cải cách TTHC trong giải quyết thủ tục liên quan lĩnh vực giáo dục.

Có thể thấy, việc ủy quyền trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý là một bước đột phá trong cải cách TTHC. Qua đó, góp phần tháo những vướng mắc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, tăng niềm tin, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.