Mùa tuyển sinh 2023, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng về cơ bản giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm 2022. Trong đó, một số trường dự kiến mở thêm các ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo... đáp ứng xu hướng, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Từ năm tuyển sinh 2022, thí sinh trúng tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế, đạt đủ yêu cầu về trình độ tiếng Anh, được đăng ký vào chương trình Kinh doanh quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh. Dựa trên nhu cầu thực tiễn ngày càng cao về khả năng ngoại ngữ của sinh viên khi ra trường, mùa tuyển sinh năm 2023, nhà trường mở thêm một chương trình giảng dạy và học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh đối với ngành Marketing.
Theo PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, thí sinh trúng tuyển vào ngành Marketing và đạt đủ yêu cầu về trình độ tiếng Anh, sẽ được đăng ký vào chương trình Marketing số, giảng dạy bằng tiếng Anh.
“Chương trình này sẽ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ các học phần Lý luận Chính trị, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp, sinh viên được Trường ĐH Kinh tế xét công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng và phụ lục văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên Phụ lục văn bằng ghi rõ ngôn ngữ đào tạo là tiếng Anh”, PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh cho biết.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cũng cho biết, có nhiều ngành nghề tuyển sinh mới được bổ sung vào danh mục ngành. Đối với lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, năm 2023, nhà trường tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư) và dự kiến mở mới ngành An toàn thông tin (hệ kỹ sư). Đối với lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý, bên cạnh các chương trình đào tạo gồm ngành Quản trị kinh doanh và các chuyên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành số, Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng số, Quản trị dự án Công nghệ thông tin, Quản trị tài chính số, nhà trường dự kiến mở mới ngành Marketing để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cấp thiết trong lĩnh vực này.
“Dự kiến tổng chỉ tiêu toàn trường trong năm tuyển sinh 2023 là 1.500 chỉ tiêu, trong đó 980 chỉ tiêu dành cho lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, 520 chỉ tiêu dành cho lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý. Với 1.500 chỉ tiêu, cơ hội rộng mở với tất cả thí sinh có nguyện vọng đăng ký học các ngành “hot” nhất hiện nay trên thị trường lao động trong nước và quốc tế”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trường Đại học Đông Á tư vấn tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, tỉnh Phú Yên vào đầu năm 2023. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật chủ trương giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022 với tổng chỉ tiêu dự kiến là 1.500, gồm 5 phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo điểm thi THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng của nhà trường. Trong năm 2023, nhà trường dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành mở mới là Công nghệ kỹ thuật hóa học và ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đây là các ngành học về công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội khi nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành này dự kiến sẽ tăng cao trong những năm tới.
PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, công tác tuyển sinh có tầm quan trọng đối với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà trường. Vì thế, nhà trường chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục STEM… nhằm kết nối chặt chẽ hơn với các trường THPT, quảng bá các thông tin về tuyển sinh.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh mở chuyên ngành Công nghệ nano; Trường ĐH Ngoại ngữ lần đầu tuyển sinh mở lớp tại Phân hiệu Kon Tum theo hình thức 2+2 (sinh viên trúng tuyển học 2 năm đầu tại Phân hiệu Kon tum và 2 năm cuối tại Trường ĐH Ngoại ngữ và nhận bằng do nhà trường cấp.
4 phương thức tuyển sinh chính Về kế hoạch tuyển sinh năm 2023, Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết, đơn vị tuyển sinh ĐH hình thức chính quy vào 9 trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc với tổng cộng 146 ngành, chương trình đào tạo khác nhau thuộc 16 lĩnh vực. Các đơn vị thành viên ĐH Đà Nẵng sử dụng 4 phương thức tuyển sinh chính gồm: xét tuyển theo điểm thi THPT, xét học bạ THPT, xét tuyển sinh riêng và xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc kỳ thi đánh giá năng lực của khối các trường sư phạm. Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm tổ chức thi các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành Kiến trúc (Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật), Sư phạm Âm nhạc, Giáo dục mầm non (Trường ĐH Sư phạm). Dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 15.125 (trong đó xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh 401 chỉ tiêu; xét điểm thi THPT là 7.275 chỉ tiêu; xét học bạ là 3.449 chỉ tiêu; tuyển sinh riêng là 3.057 chỉ tiêu; đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 513 chỉ tiêu; đánh giá năng lực của ĐH Bách khoa Hà Nội là 55 chỉ tiêu và đánh giá năng lực của khối các trường sư phạm là 375 chỉ tiêu). |
NGỌC HÀ