Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy

.

Truyền thống  hiếu học, tinh thần vượt khó từ xa xưa của người dân Hòa Vang chính là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền, ngành giáo dục và nhân dân huyện tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyện Hòa Vang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng, quan tâm công tác cán bộ để phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo.  Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học An Phước chào cờ đầu tuần.  Ảnh: P.V
Huyện Hòa Vang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng, quan tâm công tác cán bộ để phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học An Phước chào cờ đầu tuần. Ảnh: P.V

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, những năm qua, từ nguồn hỗ trợ lớn của chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, huyện ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất trường học, các cơ chế chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh ở vùng khó khăn trên địa bàn... Toàn huyện hiện có 1.583 giáo viên, 93,2% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, trong đó có 40 giáo viên đạt trình độ thạc sĩ. Đến nay, 100% cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. 

Hầu hết đội ngũ giáo viên, cán bộ, viên chức giáo dục các cấp học, bậc học có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đổi mới sáng tạo, vận dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng chuẩn hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng thiết thực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phần lớn là những nhà giáo có trình độ, năng lực quản lý tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở giáo dục - đào tạo phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, nhìn chung, huyện làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý; chú trọng thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Thông qua công tác luân chuyển, điều động cơ bản đã phát huy trách nhiệm, tiềm năng trí tuệ của các cá nhân, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành tại các đơn vị, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở yêu cầu công tác và năng lực cán bộ, từ năm 2018 đến nay, huyện bổ nhiệm mới 39 trường hợp, bổ nhiệm lại 78 trường hợp, luân chuyển và bổ nhiệm 70 trường hợp. Bên cạnh đó, tổ chức cho 100% cán bộ quản lý trường học trên địa bàn huyện được bồi dưỡng về quản trị nhà trường nhằm tăng tính tự chủ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tất cả các trường chủ động xây dựng kế hoạch chiến lược của nhà trường. Đề ra mục tiêu chiến lược 5 năm, 10 năm và các hoạt động cần triển khai để đạt được các mục tiêu ấy.

Để đội ngũ cán bộ, viên chức, các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và dạy học, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn, ông Lê Văn Hoàng cho biết, các cấp, ngành luôn quan tâm thực hiện đầy đủ, đúng và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý. Số lượng giáo viên giỏi các cấp tăng, từ 25 giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2014 đến nay đã có 222 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi thành phố. Năm 2017, một giáo viên được vinh danh Nhà giáo ưu tú, 12 giáo viên được công nhận Nhà giáo tiêu biểu của Đà Nẵng từ 2017 đến 2022, 6 giáo viên được tặng giải thưởng Võ Trường Toản của thành phố, 80 giáo viên được tặng giải thưởng Viên phấn trắng của huyện. Huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy theo chuẩn mới; mở rộng diện tích đất cho các trường. Toàn huyện duy trì 43/48 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó năm học 2021-2022, có 2 trường được thành phố công nhận lại theo thông tư mới tại Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 3-8-2022 (dẫn đầu toàn thành phố về số trường đạt chuẩn quốc gia).

Bên cạnh đó, địa phương quan tâm, khuyến khích thực hiện sự công bằng xã hội giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, qua đó góp phần hình thành và phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, giảm tải cho hệ thống trường công lập, giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước. Huyện cũng tạo điều kiện cho các tổ chức có yếu tố nước ngoài như Atlantic, Victoria, Đại Trường Phát phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chuyên môn, sinh hoạt CLB, trợ giảng ngoại ngữ.

Mặc dù đạt nhiều kết quả như nói trên nhưng do điều kiện kinh tế của người dân Hòa Vang chưa cao, hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều nên công tác xã hội hóa đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của phụ huynh cho con em chưa nhiều. Đội ngũ giáo viên biến động cũng là những khó khăn mà huyện gặp phải trong công tác giáo dục hiện nay.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.