ĐNO - Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở các đô thị lớn của Việt Nam là nguyên nhân chính gây nên quá tải cho các công trình xây dựng truyền thống. Đô thị thông minh là định hướng phát triển bền vững, tất yếu trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu trong ngành ở nước ta còn hạn chế.
Tốc độ đô thị hóa ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đang là vấn đề cấp bách cho cơ sở hạ tầng theo hướng truyền thống. |
Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trước đó, nguồn nhân lực phát triển đô thị thông minh chủ yếu được đào tạo từ nước ngoài. Nắm bắt được xu thế đó, năm 2022, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tiên phong mở mới chuyên ngành Kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh nhằm nắm bắt và đón đầu xu thế việc làm để kịp thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai gần.
Hiểu ngành để chọn ngành
Trải qua năm đầu tiên, số lượng hồ sơ năm tuyển sinh thứ hai của ngành tại Trường Đại học Bách khoa năm 2023 đã tăng lên gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành học nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội trong những năm gần đây.
PGS.TS. Nguyễn Chí Công, Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy, Trưởng Chương trình đào tạo cho biết, nội dung đào tạo là sự kết hợp giữa các lĩnh vực như: xây dựng, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý dự án... Sinh viên tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh, tiến trình tự động hóa trong xây dựng, ứng dụng các công nghệ tiến tiến như: BIM, AI, Bigdata, Viễn thám…
“Việt Nam là một quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao, đang kỳ vọng và mong muốn trong việc lựa chọn xây dựng, phát triển và tái thiết các đô thị theo nhiều xu hướng khác nhau như: Đô thị thông minh, Đô thị xanh… Đây là một ngành mới ở Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng. Nhà trường đã lấy ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành để xây dựng nên một chương trình đào tạo chất lượng, phù hợp với thực tiễn. Chiến lược của nhà trường trong 5 năm đầu là kiểm soát số lượng sinh viên để tăng chất lượng đào tạo”, PGS.TS. Nguyễn Chí Công trao đổi cho biết.
Tính đến hiện nay, quá trình quy hoạch đô thị thông minh ở Việt Nam đã có mặt tại 48/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, 34/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh; 16/48 tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương đang triển khai lập đề án. Đứng trước nhu cầu nhân lực ngày càng gia tăng, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại các thành phố lớn ở trong nước và quốc tế.
Sinh viên Đoàn Việt Bách, chuyên ngành Kỹ thuật và Quản lý đô thị thông minh, Trường Đại học Bách khoa cho hay, bản thân đã được định hướng từ sớm và chuẩn bị tâm lý khi lựa chọn một ngành mới. “ Do thấy được tiềm năng và nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, em cảm thấy rất yên tâm về chuyên ngành của mình", Bách chia sẻ.
Xu hướng phát triển đô thị thông minh ở Đà Nẵng theo chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, một số địa phương tiêu biểu như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… đã đạt được nhiều thành công trong quản lý, ứng dụng đô thị thông minh trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân bằng các tiện ích thông minh kể từ năm 2018.
Ông Phạm Quảng Hùng, Thạc sĩ Thành phố thông minh Asean, Văn phòng UBND thành phố cho biết, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đến năm 2045 là lý do gây quá tải cho các công trình, cơ sở hạ tầng truyền thống. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã có những bước ứng dụng các công nghệ, thành tựu mới trong lĩnh vực xây dựng để hướng tới trở thành đô thị thông minh trong những năm tới.
“Mục tiêu của việc phát triển đô thị theo hướng thông minh là thừa hưởng thành quả công nghệ từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng bền vững, dựa trên xu hướng của thế giới về loại hình đô thị thông minh”, ông Hùng nhận định.
Là một doanh nghiệp dẫn đầu trong xu hướng vận dụng khoa học, kỹ thuật và những thành tựu mới trong xây dựng, Công ty CP phát triển Khu CNTT Đà Nẵng - DITP (Công ty CP Đầu tư Trung Nam - Trung Nam Group) hiện đang khai thác nhiều công trình trọng điểm của thành phố có áp dụng mô hình Smart City vào trong quá trình xây dựng.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Anh Huy, Tổng Giám Đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng - DITP cho biết, hiện nay nguồn nhân lực vận hành các dự án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố hầu hết đều tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin. Việc thiếu hụt các kỹ sư được đào tạo chính quy từ các ngành xây dựng kết hợp quản lý xây dựng đô thị thông minh làm chậm trễ một số khâu trong quá trình vận hành dự án.
“Đây là một ngành học tất yếu dựa trên xu thế phát triển của ngành Xây dựng hiện nay. Đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đều yêu cầu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu, có chuyên môn và chất lượng. Việc mở ngành học mới, đón đầu xu hướng việc làm trong tương lai của Trường Đại học Bách khoa là cần thiết và tất yếu. Giảm tải vấn đề yêu cầu cao về nhân sự cho các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành trên cả nước liên quan đến công tác vận hành các công trình lớn, yêu cầu công nghệ cao”, ông Huy chia sẻ.
Định hướng cho học sinh chọn ngành, tạo điều kiện để sinh viên phát triển
Theo Báo cáo của Tổng Cục thống kê trong quý 1 năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ lao động chiếm 33,9% so với các ngành. Trong khi đó, số lượng sinh viên nhập học và tốt nghiệp lĩnh vực xây dựng, kiến trúc chỉ chiếm 3,39% tỷ lệ lao động chính trong ngành.
Theo Thầy Đặng Công Vĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, những năm qua, nhà trường luôn phối hợp tối với các Trường Đại học để triển khai công tác hướng nghiệp, định hướng ngành nghề phù hợp với các em học sinh. Đồng thời, lưu ý cho học sinh cân nhắc về các ngành mới, phù hợp với năng lực của từng em, tránh chọn ngành chỉ dựa trên số đông, chạy theo ngành “hot,” trường “top”.
“Với định hướng tiên phong đổi mới, đón đầu các xu thế phát triển của kỷ nguyên số, nhất là những ngành gắn với kỷ nguyên số. Trên cơ sở đó, Nhà trường đã phối hợp các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố về tư vấn trực tiếp, định hướng cho các em về các ngành học mới, bắt kịp xu thế. Đồng thời trong các tiết chủ nhiệm hàng tuần có lồng ghép các nội dung hướng nghiệp định hướng ngành nghề cho học sinh. Nhà trường cũng đã lưu ý thí sinh cân nhắc để chọn được ngành phù hợp với năng lực bản thân để có thể học tập, rèn luyện tốt về kiến thức, các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong tương lai”, Thầy Vĩnh khẳng định.
Kết hợp nhiều môn học của các lĩnh vực khác nhau đôi khi sẽ làm cho sinh viên cảm thấy “bội thực" kiến thức. Để tạo tinh thần thoải mái cho sinh viên, ngay từ đầu năm học, lãnh đạo khoa đã có nhiều buổi tiếp xúc với sinh viên để trao đổi cũng như động viên các em trong quá trình học tập.
“Đoàn sinh viên, Hội sinh viên kết hợp cùng các câu lạc bộ khác luôn đồng hành các em trong suốt quá trình học tập. Hệ thống thư viện của Trường Đại học Bách khoa cung cấp cho các em nguồn dữ liệu học tập vô cùng lớn, đảm bảo các bạn có thể tiếp cận để trau dồi kiến thức. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, định hướng việc làm, kết nối doanh nghiệp cho sinh viên”, Giảng viên Lê Trần Minh Đạt, Bí thư Liên chi đoàn khẳng định.
Sinh viên Nguyễn Phan Na Ny, chuyên ngành Kỹ thuật và Quản lý đô thị thông minh, Trường Đại học Bách khoa chia sẻ, các thầy cô trong quá trình dạy học luôn tạo điều kiện để các em có thể tiếp thu được kiến thức. Mỗi học kỳ sẽ luôn có những suất học bổng giá trị, dành cho các bạn có thành tích xuất sắc. Em cảm thấy rất yên tâm gắn bó với ngành trong những năm học tới.
Sinh viên năm 1 ngành Xây dựng và quản lý đô thị thông minh thực hành tại thư viện của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. |
ĐÔNG HẢI