ĐNO - Ngày 10-6 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng Phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) phát động. |
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân.
Việc học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Quan tâm xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến học, khuyến tài; củng cố hoạt động của các thiết chế giáo dục, thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở; phát triển hệ thống thư viện, thư viện di động, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng.
Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân đều có cơ hội học tập suốt đời; tăng cường tuyên truyền mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nhân lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm hành động để người người, nhà nhà học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua thời gian triển khai đề án “Xây dựng xã hội học tập”, mạng lưới cơ sở giáo dục của cả nước thường xuyên được củng cố, phát triển và hoạt động hiệu quả.
Toàn quốc hiện có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp tỉnh, huyện, xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 46/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1...
NGỌC HÀ