Năm học 2023-2024 là năm thứ hai học sinh lớp 10 học chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Theo đó, ngoài các môn bắt buộc, học sinh tự chọn một tổ hợp do nhà trường xây dựng. Tuy nhiên, lựa chọn như thế nào để phù hợp với khả năng, sở thích và hướng đến mục đích xét tuyển đại học... khiến nhiều học sinh lúng túng.
Học sinh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Ảnh: NGỌC HÀ |
Băn khoăn môn tự chọn
Chương trình giáo dục THPT 2018 quy định, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh); Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài các môn trên, học sinh phải lựa chọn thêm một tổ hợp môn học do các trường xây dựng. Việc chọn tổ hợp môn học là bài toán khó đối với phụ huynh, học sinh.
Trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, em Nguyễn Mỹ Duyên (học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Sơn) cho biết, những ngày qua, em và các bạn “cân não” trong lựa chọn tổ hợp môn học. Theo Duyên, nhà trường xây dựng 5 nhóm lựa chọn; nhóm lựa chọn 1A: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học (dự kiến 5 lớp); nhóm lựa chọn (1B): Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ (Công nghệ trồng trọt, dự kiến 1 lớp); nhóm lựa chọn (2A): Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Tin học (dự kiến 2 lớp); nhóm lựa chọn (2B): Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, Tin học (dự kiến 2 lớp); nhóm lựa chọn (2C): Địa lý Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ (Công nghệ trồng trọt), Tin học (dự kiến 1 lớp).
“Em học tốt các môn tự nhiên nên thiên về các tổ hợp có môn học này; tuy nhiên, em vẫn phân vân giữa nhóm 1A, 1B. Điều em lo lắng nhất là lỡ chọn sai rồi không biết phải làm thế nào, sợ ảnh hưởng đến các môn học xét tuyển đại học. Đối với một số bạn chưa định hướng sở trường môn học thì càng vất vả hơn trong lựa chọn tổ hợp môn”, Duyên nói.
Lựa chọn tổ hợp nào và có được vào lớp theo đúng nguyện vọng đã đăng ký hay không cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Phụ huynh em Ngọc Thiện, trúng tuyển vào Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến cho hay, theo thông tin từ nhà trường, học sinh đăng ký 2 tổ hợp môn học lựa chọn theo các tổ hợp nhà trường đã quy định (thứ tự nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2). Học sinh có điểm trúng tuyển vào trường cao hơn thì được ưu tiên xét trước; trúng nguyện vọng 1 thì không xét nguyện vọng 2. Học sinh xét không trúng tuyển cả 2 nguyện vọng thì học theo tổ hợp do nhà trường quy định.
Theo phụ huynh này, gia đình, nhà trường có định hướng các em chọn các môn tự chọn dựa theo tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học và nhiều học sinh có xu hướng chọn các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên. “Sau khi xem xét khả năng, sở thích cháu đã chọn tổ hợp gồm Vật lý, Hóa học, Tin học, Mỹ thuật; chuyên đề môn Vật lý, Hóa học, Toán; nhưng tổ hợp này trường chỉ có 2 lớp nên rất lo không biết có được hay không vì điểm đầu vào chỉ tốp giữa”, phụ huynh em Ngọc Thiện bày tỏ.
Cần cân nhắc cẩn thận
Việc xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn đối với lớp 10 năm học 2023-2024 được các trường THPT căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, năm học 2023-2024, về cơ bản các tổ hợp môn lựa chọn được nhà trường xây dựng giống năm học trước, khối tự nhiên (Khoa học tự nhiên (KHTN) 1: 5 lớp, KHTN 2: 3 lớp, KHTN 3: 2 lớp); khối xã hội (khoa học xã hội (KHXH) 1: 3 lớp, KHXH 2: 3 lớp, KHXH 3: 2 lớp). Đối với việc lựa chọn tổ hợp môn học, thầy Hảo cho rằng phụ huynh, học sinh phải dựa trên sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp của bản thân để chọn cho phù hợp. Khi đã chọn thì cố gắng theo, tránh thay đổi giữa chừng ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập và thi sau này.
Tương tự, theo thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, trên cơ sở danh sách tổ hợp môn thi đại học 2023 (12 tổ hợp), cơ sở vật chất và thực tế đội ngũ giáo viên, nhà trường xây dựng các nhóm môn học lựa chọn và các chuyên đề sao cho có lợi nhất cho học sinh. Tuy nhiên, các nhóm môn học và chuyên đề mà nhà trường xây dựng cũng mang tính tương đối, phụ huynh, học sinh cần phải nghiên cứu kỹ khi chọn nhóm các môn lựa chọn và các chuyên đề học tập, tránh trường hợp thay đổi ở lớp 11 hoặc 12.
Trong khi đó, thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, các trường đều tổ chức họp phụ huynh, học sinh lớp 10 để hướng dẫn và tư vấn lựa chọn môn học. Tuy nhiên, thực tiễn năm học vừa qua, vẫn có nhiều trường hợp học sinh xin đổi môn lựa chọn sau khi học xong lớp 10.
“Theo quy định, học sinh có nguyện vọng thay đổi môn lựa chọn sau khi hết lớp 10 phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới ở lớp học trước đó, có xác nhận đồng ý và cam kết của phụ huynh và phải được nhà trường đồng ý. Tuy nhiên, việc thay đổi môn lựa chọn không hề dễ vì đến nay, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi môn như thế nào, học bù, kiểm tra đánh giá ra sao để có kiến thức và đủ đầu điểm khi học sinh chuyển sang môn học khác thì chưa rõ ràng. Chúng tôi rất cần có hướng dẫn cụ thể của bộ, sở”, thầy Đạt bày tỏ.
NGỌC HÀ