Tình thương yêu trẻ em con của đồng bào người Cơ tu khiến cô giáo Nguyễn Thị Bích Khuê (sinh năm 1981) quên hết nhọc nhằn, gắn bó hơn với ngôi trường mình đang công tác - Trường Mầm non Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Khuê cùng các em học sinh mầm non người Cơ tu ở xã Hòa Bắc. Ảnh: HÀ LAM |
Cô Khuê quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non và được tuyển dụng, phân công về dạy tại Trường Mầm non Tuổi Thơ thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu năm 2002. Tuy nhiên, cô lại có cơ duyên để gắn bó với trẻ em Cơ tu ở xã Hòa Bắc khi có dịp lên Trường Mầm non Hòa Bắc để thăm đồng nghiệp và quyết định về Hòa Bắc với trẻ em Cơ tu, dù nhận được lời can ngăn. “Khi lên thăm trường, cảm nhận được sự hồn nhiên, thiếu thốn của trẻ em người Cơ tu, mình rất thương. Được đồng nghiệp “rủ rê” lên dạy ở Hòa Bắc nên mình nộp hồ sơ, được nhận vào dạy và gắn bó cho tới bây giờ”, cô Khuê nhớ lại.
Cô Khuê được phân công lên dạy tại điểm trường tại thôn Tà Lang rồi sau đó là thôn Giàn Bí. Rào cản lớn nhất trong khoảng thời gian đầu khi đứng lớp để giáo dục, chăm sóc trẻ mầm non Cơ tu, đó chính là ngôn ngữ. “Thú thật, mình có kiến thức, kỹ năng sư phạm, kỹ năng dạy trẻ mầm non nhưng với trẻ đồng bào thì ban đầu mình chưa hiểu ngôn ngữ, gặp không ít khó khăn trong chăm sóc và giáo dục trẻ. Mỗi hoạt động học có thuật ngữ riêng, phải phân tích nhưng các con ngôn ngữ tiếng Việt vốn từ không có, trong khi mình chưa có ngôn ngữ đồng bào nên không biết dạy như thế nào cho con hiểu”, cô Khuê tâm sự.
Tuy nhiên, may mắn là thời điểm đó trong điểm trường có một cháu là người Kinh và nói được tiếng đồng bào Cơ tu. Đây chính là “cầu nối” ngôn ngữ giữa cô giáo với các học sinh Cơ tu. Cô Khuê nhờ em học sinh người Kinh thuyết minh lại, hướng dẫn ý đồ của cô giáo cho các bạn người Cơ tu. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Và không thể để kỹ năng truyền đạt bị cản trở bởi ngôn ngữ, cô “cắp sách” đi học tiếng Cơ tu từ những phụ huynh là người Cơ tu. Với sự kiên trì, cô Khuê cập nhật được tiếng Cơ tu cho mình, qua đó, việc giáo dục và chăm sóc cho trẻ ngày càng thuận lợi hơn.
Rào cản ngôn ngữ được giải quyết là lúc cô giáo Khuê tập trung vào giáo dục cho trẻ phát triển kỹ năng. Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục của mình, cô xây dựng đề tài “Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua hoạt động âm nhạc”, “Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua hoạt động văn học”, “Một số biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc tại trường mầm non”… Từ năm 2014 trở lại đây, cô tích cực tham gia thiết kế bài giảng điện tử để phục vụ cho công tác dạy và học. Các đề tài của cô Khuê giúp cho việc dạy học ngày một tốt hơn, đặc biệt giúp cho trẻ em Cơ tu thành thạo tiếng Việt, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em đồng bào. Đồng thời, qua các đề tài này, cô đoạt các giải từ cấp huyện đến cấp thành phố, có ứng dụng tốt trong giáo dục trường mầm non.
Với những nỗ lực cống hiến của mình, hơn 20 năm qua, cô Khuê đạt được nhiều danh hiệu như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố; đoạt các giải cao về các sáng kiến cấp huyện, thành phố; chiến sĩ thi đua, 10 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn viên Công đoàn tiêu biểu xuất sắc… Tuy nhiên, với cô phần thưởng lớn nhất nhận được chính là niềm yêu thương của phụ huynh và học sinh, sự quý trọng và ghi nhận của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo...
Khi hỏi về tương lai của việc “xuống phố”, cô Nguyễn Thị Bích Khuê chia sẻ rằng đã gắn bó thì tình cảm thực sự trân quý và chỉ mong muốn được tiếp tục cống hiến, có những sáng kiến hay để trực tiếp hỗ trợ cho học sinh miền núi, để các em được nhận những kiến thức và phát triển như trẻ em ở trung tâm thành phố.
HÀ LAM