Sáu tháng đầu năm 2023, Hội Khuyến học thành phố tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập dựa trên nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại Công văn số 977/UBND-SGDĐT ngày 24-2-2022 triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2021-2030.
Hội Khuyến học hướng dẫn, đánh giá, công nhận danh hiệu công dân học tập; đánh giá xếp loại đơn vị học tập trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo Hội Khuyến học thành phố, năm 2023 là năm đầu triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng về xây dựng XHHT và xây dựng các mô hình học tập trong giai đoạn 2021-2030. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành Hội nỗ lực tập trung cao nhất trong công tác tham mưu, phối hợp để triển khai các chủ trương quan trọng về xây dựng xã hội học tập, bởi kết quả các hoạt động trong năm 2023 có ý nghĩa quyết định đến việc triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này trong 5-10 năm đến.
Hội Khuyến học thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản thực hiện các Quyết định số 1373/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng XHHT và xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030, tham mưu triển khai Thông tư 22/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về xây dựng mô hình đơn vị học tập cấp quận, huyện và thành phố.
Đồng thời tổ chức hội nghị để hướng dẫn, đánh giá, công nhận danh hiệu công dân học tập; đánh giá xếp loại đơn vị học tập trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và các quận, huyện. Từ đó, UBND quận, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Quyết định 951/QĐ-UBND ngày 12-4-2022 của UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí và hướng dẫn triển khai đánh giá xếp loại “Đơn vị học tập” cấp quận/huyện và thành phố; đến nay, tất cả xã/phường ở 7 quận, huyện đều đã triển khai đến thôn, tổ dân phố. Kết quả 6 tháng đầu năm, các mô hình học tập được triển khai rộng khắp. Có 226.937 gia đình đăng ký mô hình “Gia đình học tập”, đạt tỷ lệ 87,13%; 2.832 thôn/tổ dân phố đăng ký mô hình “Cộng đồng học tập” cấp thôn/tổ dân phố, đạt tỷ lệ 97,50%; 374 đơn vị đăng ký mô hình “Đơn vị học tập” ở cơ sở, đạt tỷ lệ 97,90%; 56 xã/phường đăng ký mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã/phường đạt tỷ lệ 100%; 481.923 công dân đăng ký mô hình “Công dân học tập”, đạt tỷ lệ 58,34%.
Trong 6 tháng cuối năm, Hội Khuyến học thành phố tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả nhân rộng các mô hình. Mục tiêu hướng đến là tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, năng lực cơ bản và trình độ của người dân đạt tỷ lệ 60% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; tỷ lệ này tăng lên 80% vào năm 2030.
Vận động hơn 19 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội có nhiều biện pháp tích cực trong việc vận động và hỗ trợ cấp phát quỹ khuyến học, khuyến tài trên toàn thành phố; huy động với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng, bình quân đạt 17.290,50 đồng/người dân. Hội Khuyến học thành phố tiếp tục nỗ lực phát triển quỹ khuyến học trong dòng họ, cộng đồng dân cư, phấn đấu năm 2023 đạt mức từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/người dân/năm. Đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 7 Hội Khuyến học quận, huyện; 56 Hội Khuyến học xã, phường, 1 Hội Khuyến học Trường Đại học Đông Á; 1.563 Chi hội Khuyến học, 180 Ban Khuyến học tộc họ và các Chi hội trường THPT, TTGDTX và Hội Hán – Nôm trực thuộc Thành Hội. Toàn thành phố có 226.921 hội viên; tăng 831 hội viên so với cuối năm 2022. |
NGỌC HÀ