Luôn đồng hành giải quyết những khó khăn của ngành Giáo dục

.

Chiều 18-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Trung học Phổ thông.

Năm 2023 đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời là thời điểm thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, trách nhiệm và nỗ lực, toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022 - 2023, đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận. Thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.

Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp Tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt mức 98,81%. Tất cả tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học; trong đó 29/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; 11 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2 và 7 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được; đồng thời chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục - đào tạo triển khai còn chậm. Việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa... Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện Chương trình mới. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên.

Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo đại học tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những ngành nghề mới, lĩnh vực công nghệ cao. Công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, phân cấp, phân quyền còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng. Tình trạng đạo đức, lối sống xuống cấp, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu còn chậm trễ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp, chưa tạo được sự đồng thuận của một bộ phận nhà giáo, phụ huynh học sinh và xã hội.

Phân tích bối cảnh, quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Thủ tướng bày tỏ, nhiệm vụ “chấn hưng giáo dục”, thực hiện sự nghiệp “trồng người” rất vẻ vang nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng giải quyết những khó khăn, thử thách của ngành Giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Từ những quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo; tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ giáo dục; tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu của người học trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng số, đường truyền internet, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Thủ tướng mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giáo dục, đào tạo; mỗi thầy cô giáo nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt; kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân; đặc biệt, chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mỗi học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập; biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi - không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô, cũng như kỳ vọng của xã hội.

Thủ tướng tin tưởng, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.