Tạo nền tảng xây dựng thành phố học tập

.

Hội Khuyến học thành phố có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập... đồng thời, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi bật là Hội đã có những đóng góp hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 25-1-2014, trong đó, xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập (XHHT) nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng XHHT.

Đồng thời tổ chức thực hiện theo các hình thức tuyên truyền phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo, mạng internet; tuyên truyền xây dựng XHHT thông qua phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học; phát động phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phát động phong trào đơn vị học tập, cộng đồng học tập (CĐHT); nghiên cứu và tổ chức bằng nhiều hình thức nhằm động viên mọi người học tập suốt đời (HTSĐ). Hằng năm, tổ chức Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ với nhiều chủ đề khác nhau tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố; xây dựng chuyên mục “Xây dựng XHHT” trên đài truyền hình, đài phát thanh; biên soạn và phát hành các bản tin, tài liệu tuyên truyền về xây dựng XHHT...

Mục tiêu chung nhất, cuối cùng của khuyến học (theo nghĩa rộng) là xây dựng một “xã hội học tập” theo phương thức “học tập suốt đời”, “học không bao giờ cùng” (Hồ Chí Minh). Theo UNESCO, học tập suốt đời cần hướng đến một XHHT với rất nhiều cơ hội học tập, không chỉ trong nhà trường mà còn cả trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa. Học tập thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, của các ban, ngành, đoàn thể và trách nhiệm toàn xã hội. 

Do đó, khi triển khai mục tiêu chung phải nhắm đến nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể trong hệ thống và khi triển khai một giải pháp phải nhắm đến các mục tiêu cụ thể trong mục tiêu chung. Hội Khuyến học tiếp tục thực hiện vai trò trung tâm liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội, doanh nghiệp, cá nhân…huy động nguồn lực theo hướng đa dạng, hiệu quả hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học trong nước và nước ngoài.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã vận động được 396.910.328.523 đồng để trao 763.510 suất học bổng và phần thưởng cho học sinh, sinh viên; bình quân quỹ khuyến học chi trên đầu người dân tại thành phố Đà Nẵng là 34.000 đồng (33.399.445 đồng/người; đạt chỉ tiêu bình quân/ năm theo Nghị quyết Trung ương Hội đề ra đến năm 2026 (từ 32.000 đồng đến 35.000 đồng).

Về các mô hình học tập, đến quý 1 năm 2023, theo Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25-3-2022 và Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 3-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả tỷ lệ công nhận/ số đăng ký: Gia đình học tập: 221.890/ 249.069, tỷ lệ 95,30%; Dòng họ học tập: 217/ 269, tỷ lệ 80%; Cộng đồng học tập cấp thôn, tổ dân phố: 2.599/2.884, tỷ lệ 90,11%; Đơn vị học tập ở cơ sở xã, phường: 358/357, tỷ lệ 97,54%; Công dân học tập (thí điểm): 177.954/311.786, tỷ lệ 57,00%.

Nhìn chung, 10 năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã huy động các nguồn lực xã hội, vận động các tổ chức, cá nhân, tăng cường hợp tác, tài trợ vì mục đích khuyến học, khuyến tài; góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học và công tác an sinh xã hội của thành phố. Đồng thời triển khai hiệu quả, sáng tạo các giải pháp xây dựng XHHT, các mô hình học tập, tạo nền tảng xây dựng thành phố học tập; phong trào học tập thường xuyên, suốt đời của thành phố có sự chuyển biến cả trong nhận thức, tổ chức và kết quả thực hiện.

Tuy vậy, có thể thấy một số hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác tham mưu, phối hợp, tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, chưa phù hợp với diễn biến tình hình và đối tượng, nhất là trong thời gian Covid-19, nên có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Việc phát triển tổ chức và hoạt động của Hội, Chi hội, Ban khuyến học trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, trong lực lượng vũ trang, trong các trường đại học, cao đẳng chưa mạnh, chưa đồng bộ.

NGUYỄN PHƯƠNG NGÔN

;
;
.
.
.
.
.