Ngày 5-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc lấy ý kiến triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, 3 phương án được đưa ra để lấy ý kiến cho việc tổ chức các môn thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm trường Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: LV |
Thêm một phương án
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để lấy ý kiến xã hội.
Kết quả các ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận cao về các nội dung: Mục đích kỳ thi, hình thức môn thi, sự phân cấp, trách nhiệm của địa phương và trung ương, lộ trình triển khai, số lượng môn thi tự chọn...
Theo kết quả này, có nhiều ý kiến phân tán về môn thi bắt buộc vì có thể dẫn đến các vấn đề như: Làm tăng áp lực thi cử, dễ gây nên việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn so với khoa học tự nhiên; ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh cũng như phân công giáo viên trong quá trình giảng dạy tại nhà trường (môn thừa, môn thiểu).
Bộ GD&ĐT đang nhận được đề xuất 3 phương án lựa chọn: Thi 6 môn, thi 5 môn và thi 4 môn.
Về số môn thi, có hai phương án lựa chọn là 4+2 và 3+2.
Ở lựa chọn 4+2, thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm: Thi bắt buộc 4 môn gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ)phải thi 5 môn, gồm: Thi bắt buộc 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Với lựa chọn 3+2, thí sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm: Thi bắt buộc 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi 4 môn, gồm: Thi bắt buộc 2 môn gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT có khoảng 30% ý kiến lựa chọn phương án 4+2, 70% lựa chọn phương án 3+2. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang, đã có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2 + 2.
Thí sinh học chương trình THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đều phải thi 4 môn, gồm 2 môn gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).
Khi đưa ra ba phương án, khảo sát ý kiến của gần 18.000 cán bộ, giáo viên cho thấy có 40% chọn 4+2; 59,8% chọn 2+2 môn thi và 0,2 % chọn ý kiến khác.
Như vậy, các ý kiến đều thống nhất trong nhóm môn lựa chọn sẽ thi hai môn và đang khác nhau về số lượng môn thi thuộc nhóm môn học bắt buộc.
Thế mạnh và nhược điểm của ba phương án
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các lựa chọn đều có ưu, nhược điểm riêng. Lựa chọn 4+2 có ưu điểm là các môn bắt buộc đều được tổ chức thi. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét với hiện nay) vào các cơ sở giáo dục đại học.
Ở phương án này có nhược điểm là làm tăng áp lực thi cử cho học sinh và công tác tổ chức thi vì số buổi thi nhiễu hơn gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính (số buổi thi theo lựa chọn này là 5 buổi nhiều hơn 1 buổi thi so với hiện nay).
Thực tế hiện nay, học sinh chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên, do đó, lựa chọn này sẽ làm trầm trọng hơn việc lệch khối này, ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm giảm vai trò nhóm môn học tự chọn vì riêng 4 môn thi bắt buộc đã tạo nên được 4 tổ hợp tuyển sinh nghiêng về xã hội. Bên cạnh đó, phương án này ảnh hưởng đến chọn môn học của học sinh dẫn đến việc phân công giáo viên trong quá trình giảng dạy tại nhà trường (môn thừa, môn thiếu).
Lựa chọn 3+2 có ưu điểm là công tác tổ chức thi và việc thi của thí sinh sẽ được giảm nhẹ hơn, giảm áp lực, giảm tốn kém so với hiện nay (thí sinh chỉ thị 5 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi (4 buổi) bằng số buổi thi hiện nay; cân bằng hơn (so với lựa chọn 4 + 2) cho học sinh chọn học và chọn thi giữa tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.
Phương án 3+2 cũng kế thừa về cách lựa chọn môn thi đã ổn định trong thời gian dài: Chỉ chọn thi 3 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ)-tổng số các môn học bắt buộc gồm (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Tin học, Thể dục, Giáo dục Quốc phòng và An ninh); 6 môn học khác trở thành môn thi tự chọn trong 2 tổ hợp môn (Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học Lịch sử đối với các học sinh không chọn môn này để thị và có thể dẫn đến xu hướng tăng việc lựa tổ hợp tuyển sinh Toán. Ngữ văn, Ngoại ngữ, làm giảm một phần vai trò của nhóm môn học tự chọn.
Lựa chọn 2+2 có ưu điểm giảm thực sự áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thị 4 môn, hiện | nay 6 môn). Số buổi thi 3 buổi, giảm 1 số buổi thi so với hiện nay. Lựa chọn này không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh; phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Bên cạnh đó, thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án 2+2 là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Bộ GD&ĐT tiếp tục xin ý kiến về số môn thi bắt buộc, những môn thi bắt buộc cũng như phân tích, đánh giá ưu-nhược điểm của các lựa chọn môn thi bắt buộc để có cơ sở để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện phương án thi, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). |
Theo Báo Tin tức