Khó khăn trong tổ chức dạy học 10 buổi/tuần

.

Hiện nay, một số môn học theo hình thức xã hội hóa tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố không còn, nên việc tổ chức cho học sinh học đủ 10 buổi/tuần rất khó khăn. Các trường đang loay hoay giải bài toán xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, quản lý con em.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) thích thú khi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) thích thú khi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: NGỌC HÀ

Khó dạy đủ 10 buổi/tuần

Tại một số quận trên địa bàn thành phố như Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu…, các trường tiểu học tổ chức dạy đủ 10 buổi/tuần cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nhiều trường phải xây dựng lại thời khóa biểu. Cô Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) cho biết, để duy trì tổ chức dạy - học 10 buổi/tuần, nhà trường phải kéo dài thời gian tiết chào cờ thành 2 tiết vào ngày thứ Hai, giờ ra chơi nhiều hơn vào chiều thứ Sáu.

 “Chúng tôi có hai thời gian biểu (thứ Hai và thứ Sáu, các ngày còn lại trong tuần). Trường không có tổng phụ trách nên rất vất vả. Ban giám hiệu phải tổ chức giờ chào cờ cho học sinh; các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên có tiết dạy chiều thứ Sáu đều phải chia sẻ khó khăn cùng nhà trường trong bố trí thời gian dạy học”, cô Tình chia sẻ.

Tương tự, hai tiết học cuối vào ngày thứ Tư và thứ Sáu của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) phải kéo dài thời gian so với quy định. Học sinh được giáo viên hướng dẫn làm bài tập hoặc chơi các trò chơi để ôn tập, củng cố kiến thức. Giờ ra chơi của hai ngày này cũng được kéo dài hơn, học sinh vào tiết muộn hơn.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng bảo đảm dạy đủ 10 buổi/tuần, khi một số môn học theo hình thức xã hội hóa tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố không còn, trong khi định mức giáo viên được giao là 1,5 giáo viên/lớp. Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, gần như các trường tiểu học ở quận Hải Châu tổ chức dạy học 9 buổi/tuần theo đúng yêu cầu số buổi dạy học tối thiểu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là phương án tổ chức dạy - học do không đủ giáo viên để bố trí đủ 35 tiết/tuần.

Tại Trường Tiểu học Phù Đổng, định mức được giao là 1,5 giáo viên/lớp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học chính khóa với 32 tiết/tuần đối với các khối từ 1 đến 4 và 34 tiết/tuần đối với khối 5, bảo đảm việc tất cả giáo viên dạy đúng định mức số tiết quy định (giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm sẽ được giảm 3 tiết/tuần).

Điều này đồng nghĩa với việc học sinh chỉ được học 9 buổi chính khóa/tuần. Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu có 45 giáo viên/35 lớp. Như vậy, nhà trường chỉ đạt tỷ lệ 1,28 giáo viên/lớp, thiếu so với định mức. Trong điều kiện không được tổ chức xã hội hóa môn tiếng Anh với khối lớp 1-2 như trước đây, nhà trường không thể duy trì dạy học đủ 10 buổi/tuần. Năm học 2023-2024, nhà trường có tỷ lệ giáo viên đạt 1,5 giáo viên/lớp; tổ chức thực hiện dạy 10 buổi/tuần nhưng cũng chỉ bảo đảm 34 tiết, đồng nghĩa học sinh sẽ có 1 buổi ra về sớm.

Khó khăn trong xã hội hóa

Giải pháp hiện nay được các trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu triển khai là học sinh học 9 buổi/tuần, buổi thứ 10 phụ huynh đón con về hoặc tham gia vào các chương trình xã hội hóa. Theo ghi nhận, Trường Tiểu học Phù Đổng triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa từ đầu năm học 2023-2024.

Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho biết, với chương trình xã hội hóa, nhà trường đã thực hiện theo đúng Công văn số 2123/SGDĐT-GDTH ngày 18-7-2023 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học môn tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong trường tiểu học từ năm học 2023-2024 trên nguyên tắc tự nguyện, ý kiến thống nhất của phụ huynh.

Từ đầu năm học, phụ huynh lớp 1 và lớp 2 đăng ký cho con học buổi thứ 10 môn tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Nhà trường tổ chức cho các em học vào các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Tuy nhiên, do học sinh đăng ký tăng lên nhiều (14 lớp), nhà trường tổ chức học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài vào buổi sáng cùng tiết chính khóa.

Đến ngày 26-9, Sở GD&ĐT có Công văn 2872/SGDĐT-GDTH về việc dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong trường tiểu học, trong đó nêu rõ chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn tiết học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài trong thời khóa biểu chính khóa và chỉ được phép triển khai sau khi có phê duyệt của Phòng GD&ĐT.

 “Như vậy, sau khi triển khai được một tháng, nhà trường dừng triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Một bộ phận lớn phụ huynh mong muốn nhà trường tổ chức dạy, học 10 buổi/tuần để thuận tiện cho công việc và hơn cả là trẻ vẫn được bảo đảm an toàn so với việc để con ở nhà một mình. Nhưng việc xã hội hóa buổi thứ 10 rất khó triển khai”, cô Trương Thị Nhã Trúc thông tin.

Ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn quận có ba trường tiểu học đã tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, đến nay, các trường đã tạm dừng tổ chức dạy học.

 Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cũng cho hay, qua khảo sát của một số trường triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa thì chỉ 35-40% học sinh/lớp đăng ký học. Do số lượng học sinh không đăng ký khá đông nên Phòng GD&ĐT đề nghị các trường tìm giải pháp tổ chức sắp xếp cho số học sinh này phù hợp. Đến nay, việc xã hội hóa gặp khó khăn và chưa có trường nào triển khai được.

Học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài: Tự nguyện, nghiêm cấm việc gợi ý học sinh tham gia
Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là môn học tự nguyện, do học sinh và cha mẹ học sinh đăng ký (không phải học sinh nào cũng có nhu cầu) nên chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa; chỉ triển khai cho học sinh có cha mẹ đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện, nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan theo Công văn số 815/SGDĐT-KHTC ngày 24-3-2023. Các trường chỉ được phép triển khai thực hiện khi xây dựng kế hoạch đầy đủ theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và được phòng GD&ĐT các quận, huyện phê duyệt. Sở GD&ĐT đang tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học tại phòng GD&ĐT các quận, huyện và đi thực tế tại một số trường tiểu học để kịp thời phát hiện, nhắc nhở những vi phạm (nếu có).
 

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.