Bên cạnh các phương pháp truyền thống, giáo dục STEM đã dần khẳng định tầm quan trọng và trở nên phổ biến trong các trường học. Điều này không chỉ mang đến cho giáo viên và học sinh những trải nghiệm thú vị trong từng bài giảng, mà còn nâng cao chất lượng dạy và học.
Buổi học của lớp 4/3, Trường Tiểu học Phù Đổng về thiết kế bình giữ nhiệt handmade theo phương pháp STEM. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đầu năm học 2023-2024, các trường học triển khai cho giáo viên các khối lớp lồng ghép giáo dục STEM và dạy học tích hợp vào các môn học. Tại buổi học của học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), học sinh khá hào hứng với bài học về bình giữ nhiệt. Với 4 loại thìa đã được chuẩn bị trước gồm thìa nhựa, inox, gỗ và thủy tinh, cô giáo đã gợi ý cho các nhóm thảo luận, đề xuất cách làm thí nghiệm kiểm tra mức độ dẫn nhiệt. Sau đó, các nhóm tự tay làm bình giữ nhiệt từ những nguyên liệu có sẵn, dễ tìm như chai thủy tinh, giấy nhôm, xốp hơi bọc...
Cô Nguyễn Thị Hoài Thương, giáo viên lớp 4/3 cho biết, ngoài các tiêu chí tạo hình, thẩm mỹ, để kiểm tra mức độ giữ nhiệt của các bình do học sinh tự làm, giáo viên hướng dẫn các nhóm cho nước đá đổ vào trong bình giữ nhiệt. Các nhóm sẽ sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ lúc mới đổ nước vào bình và khoảng 2 phút sau đó để đánh giá, so sánh độ giữ lạnh.
Tại Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê), dạy học theo phương pháp STEM được các tổ chuyên môn thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học 2 chủ đề/môn học/ học kỳ. Cô Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường giao quyền tự chủ cho các tổ chuyên môn cùng nhau thống nhất xây dựng các chủ đề, thiết kế các bài học STEM theo hướng tích hợp liên môn, nhằm phát huy năng lực học sinh. Đồng thời, mạnh dạn giao quyền để giáo viên chủ động trong các hoạt động dạy học STEM nhằm nâng cao các năng lực: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học STEM cho giáo viên.
“Dạy học theo phương pháp STEM diễn ra sôi nổi trong các khối lớp. Mỗi lớp học dành riêng một góc để trưng bày các sản phẩm STEM nhằm động viên, khích lệ giáo viên, học sinh. Ngày 12-1 vừa qua, nhà trường đã tổ chức hội thi ‘‘Chúng em cùng sáng tạo sản phẩm STEM’’năm học 2023 - 2024, thu hút đông đảo học sinh của 38 lớp tham gia. Nhà trường chấm chọn các sản phẩm đoạt giải trưng bày góc STEM của trường vào ngày hội STEM cấp quận”, cô Tình chia sẻ.
Với dạy và học STEM ở tiểu học, giáo viên có thể khai thác các thiết bị - đồ dùng dạy học hiện có để tích hợp các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán vào mỗi bài học. Trong đó, các sản phẩm của dự án học tập thường sử dụng những vật dụng đơn giản, dễ tìm và chủ yếu là đồ tái chế. Việc dạy học chủ đề STEM rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy, sáng tạo, tranh luận, phản biện... Trong khi đó, bậc THCS, THPT; dạy học theo phương pháp STEM giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống và sáng tạo ra những sản phẩm ứng dụng cao.
Mới đây, học sinh Trường THPT Ngô Quyền tìm hiểu về thực trạng nước nhiễm mặn trên địa bàn. Từ thí nghiệm hóa học để tìm hiểu sâu hơn khái niệm tài nguyên nước, nước ảo (virtual water) và dấu chân nước (water footprint) áp dụng vào thực hành truyền thông nhận thức cộng đồng. Em Nguyễn Sơn, học sinh Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Lần đầu tiên, em biết cách tính dấu chân nước để biết lượng nước tiêu thụ ở mỗi hoạt động của con người. Em ý thức sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm hơn sau buổi học trải nghiệm”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hầu hết trường phổ thông ở Đà Nẵng đều triển khai hoạt động giáo dục STEM với mức độ đậm, nhạt khác nhau. Sở đã phối hợp các cơ sở giáo dục đại học như: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt -Anh, Trường Đại học Bách khoa, (Đại học Đà Nẵng) để tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục STEM. Hằng năm, sở phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức cuộc thi sáng tạo Robot dành cho học sinh THPT, phối hợp Trường Đại học Bách khoa tổ chức hội nghị Nghiên cứu khoa học và Triển lãm công nghệ của học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, theo ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, triển khai có hiệu quả và nhân rộng giáo dục STEM trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có rào cản về cơ sở vật chất. Thời gian qua, các trường đã chủ động kết nối với cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn triển khai hoạt động giáo dục STEM, nhất là sử dụng các không gian sáng tạo của các trường đại học và đội ngũ giảng viên. Mới đây, Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Dariu (Thuỵ Sĩ) phối hợp Sở GD&ĐT đến khảo sát, chuẩn bị lắp đặt 3 phòng makerspace - dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, sáng chế về công nghệ, lập trình, robot...; lắp đặt phòng lab cho 2 trường THCS. Thời gian tới, các trường học từng bước được đầu tư cơ sở vật chất góp phần tạo điều kiện triển khai hoạt động giáo dục STEM.
Mô hình giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics) được biết đến như là một sự tiếp cận mới trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai, trong đó nhấn mạnh sự kết nối, liên thông, tích hợp giữa bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. |
NGỌC HÀ