Tạo điều kiện cho nhân viên y tế trường học

.

Việc Bộ Nội vụ đưa vị trí việc làm y tế học đường từ nhóm hỗ trợ, phục vụ sang nhóm chuyên môn dùng chung đã tạo tâm lý phấn khởi cho những người làm công tác y tế học đường, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục.

Nhân viên y tế học đường đảm nhận khá nhiều việc trong chăm sóc sức khỏe học sinh. Trong ảnh: Nhân viên y tế học đường của Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) kiểm tra các lọ thuốc nhỏ mắt để tư vấn phòng bệnh cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ
Nhân viên y tế học đường đảm nhận khá nhiều việc trong chăm sóc sức khỏe học sinh. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế học đường của Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) kiểm tra các lọ thuốc nhỏ mắt để tư vấn phòng bệnh cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ

Hai mươi năm công tác ở vị trí nhân viên y tế học đường, chị Phùng Thị Hồng Chuyên (Trường Tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu) chia sẻ, nhiệm vụ y tế trường học là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc. Ngoài chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, nhân viên y tế học đường phải thực hiện nhiều công việc không tên khác như: tập huấn sơ cấp, thực hiện chương trình truyền thông về tai nạn phòng chống đuối nước, triển khai cho các học sinh thực hành; bảo đảm an toàn trong trường học; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú.

Đối với học sinh đầu cấp gặp trở ngại trong sinh hoạt hay bị ảnh hưởng tâm lý, nhân viên y tế cũng là người tiếp xúc, trò chuyện... “Nhiều người nghĩ nhân viên y tế học đường không vất vả. Nhưng thực tế, mỗi ngày, một nhân viên y tế quay cuồng trong công việc với hàng trăm em học sinh. Công việc nhiều, chúng tôi vẫn thầm lặng cống hiến vì học sinh thân yêu nhưng rồi chạnh lòng vì nhiều năm học hành lại xếp cùng nhóm vị trí việc làm lao động phổ thông không yêu cầu bằng cấp chuyên môn”, chị Chuyên bày tỏ.

Trăn trở của chị Chuyên cũng như nhiều nhân viên y tế trường học khác xuất phát từ Thông tư số 12/2022/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 30-12-2022 về Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo thông tư này, nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.

Ngày 30-10-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Trong đó, y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Quy định này khiến đội ngũ y tế trường học, giáo viên, nhân viên trường học cả nước trăn trở, tâm tư. Sau đó, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục. Đề xuất này đã được Bộ Nội vụ chấp thuận.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ, vị trí việc làm y tế học đường không xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ của Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT mà được xếp vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và sẽ được xếp chung với các vị trí thư viện, kế toán, văn thư..., được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30-12-2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phù hợp.

Việc Bộ Nội vụ đưa vị trí việc làm y tế học đường từ nhóm hỗ trợ, phục vụ sang nhóm chuyên môn dùng chung đã tạo tâm lý phấn khởi cho những người làm công tác y tế học đường. “Khi đọc được thông tin này, tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng. Công việc của chúng tôi đã được ghi nhận”, chị Chuyên nói.
Không chỉ nhân viên y tế học đường, những người làm công tác quản lý cũng đồng loạt ủng hộ. Cô Đỗ Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu) cho biết, nhân viên y tế luôn là lực lượng trực chiến 100% thời gian tại các trường. Những trường tiểu học có bán trú nên các cô thêm vất vả. Theo cô Lê, sự điều chỉnh kịp thời của Bộ Nội vụ đã tạo tâm lý ổn định cho đội ngũ nhân viên y tế, động viên họ tiếp tục cống hiến, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong thời gian làm việc, học tập tại trường. Các ngành chức năng cần quan tâm về chế độ, lương, phụ cấp khác (nếu có) đối với nhân viên y tế khi ở vị trí dùng chung.

Trong khi đó, cô Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho rằng, với những trường có nhiều điểm trường nằm cách xa nhau như Hòa Bắc thì công việc của nhân viên y tế khó khăn hơn, lượng công việc cũng nhiều hơn. Khi Bộ Nội vụ đưa nhân viên y tế học đường vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về các chế độ, chính sách. Tuy nhiên, theo cô Xuân, các ngành chức năng cũng cần quan tâm đến đối tượng nhân viên y tế kiêm nhiệm nhằm khuyến khích, động viên tinh thần.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.